Theo nghiên cứu của ĐH St Andrews thì có khoảng 1,5 triệu phân tử kim cương nano siêu nhỏ được tạo ra mỗi giây khi một ngọn nến cháy.
Bằng chứng về những phân tử kim cương này cũng được phát hiện trong thí nghiệm khí tự nhiên và ngọn lửa gỗ, theo một nghiên cứu xuất bản trong tờ báo Chemical Communications.
Mỗi ngọn nến khi cháy, trong mỗi giây sẽ tạo ra… khoảng 1,5 triệu phân tử kim cương nano siêu nhỏ.
GS Wuzong Zhou, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, nếu cách thức trích xuất những phân tử này được phát hiện, nó có thể đưa đến một phương pháp sản xuất kim cương mới.
Những ánh sáng nến lấp lánh đã từng được các triết gia và những nhà khoa học như Michael Faraday so sánh với kim cương.
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, các phân tử hydrocarbon ở phần dưới của ngọn lửa nến được chuyển đổi thành CO2 trong thời gian nó đạt đến phần chóp của ngọn lửa, tuy nhiên cơ chế chính xác của quá trình vẫn chưa được xác định.
Bằng cách loại bỏ ngay từ đầu những phân tử bên trong ngọn lửa, TS Zhou xác định được 4 dạng carbon bao gồm kim cương.
Ông nói: “Không may là các hạt kim cương bị đốt cháy trong quá trình và chuyển đổi thành CO2, nhưng điều này sẽ khiến chúng ta nhìn ánh nến thay đổi mãi mãi. Nghiên cứu của tôi cho thấy rằng chúng ta có thể nhìn thấy kim cương trong ngọn lửa, ngoài ra chúng ta cũng có thể suy nghĩ về một cách khác để tạo ra kim cương”.