Nepal đang kêu gọi các nhà đầu tư trên thế giới giúp họ một khoản tiền để đo chính xác độ cao của Everest, nhằm giải quyết tranh chấp kéo dài xung quanh nóc nhà thế giới.
>>>Không thể chinh phục Everest do… hết tuyết?
Everest được xem là nóc nhà của thế giới, nằm trên biên giới giữa hai nước Trung Quốc và Nepal. Chiều cao của ngọn núi này được chấp nhận từ trước là 8.848m. Con số này được Ấn Độ đưa ra trong khảo sát năm 1954, nhưng gần đây Trung Quốc và Nepal đang có bất đồng về chiều cao của ngọn núi này, chênh nhau khoảng vài mét.
Trung Quốc cho rằng đỉnh Everest thấp hơn 4m, vì bỏ qua lớp tuyết phủ trên đỉnh. Còn theo Nepal thì ngược lại, nên đo theo chiều cao của đỉnh tuyết, tức là cao hơn đá 4m.
Cơ quan Khảo sát Nepal hôm qua thông báo với AFP, họ đang tìm kiếm để có được các khoản trợ cấp từ các nhà tài trợ quốc tế và cộng đồng khoa học có chuyên môn trên toàn cầu.
“Đây là một phần trong dự án ba năm của chính phủ Nepal để giải quyết vấn đề tranh chấp về chiều cao của núi. Nhưng chúng tôi không phải lúc nào cũng có chuyên gia khoa học cũng như nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ đó”, tổng giám đốc cơ quan khảo sát, ông Krishna Raj BC, nói.
Trước đó, Phát ngôn viên của chính phủ Nepal, Gopal Giri từng nói rằng, họ có thể tự đo chiều cao của Everest. Ông này cũng cho biết, Nepal sẽ thiết lập các trạm đo đạc tại ba địa điểm khác nhau bằng cách sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS).
Đã có hàng nghìn người lên đỉnh núi Everest kể từ khi Sherpa Tenzing Norgay và Edmund Hillary lần đầu tiên chinh phục nó vào năm 1953. Nhưng chiều cao chính xác của đỉnh núi vẫn còn là vấn đề tranh cãi từ lần đo đầu tiên năm 1856.
Tháng 5/1999, nhóm nhà khoa học Mỹ đã sử dụng công nghệ GPS ghi nhận chiều cao của Everest là 8.850m. Con số này được Hội địa lý quốc gia Mỹ sử dụng, còn Nepal không công nhận.
Theo Vnexpress