Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga, ngày 10/5, dẫn thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ Nga nói rằng, phía Nga sẵn sàng xây dựng tại Việt Nam các trạm mặt đất của hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GLONASS của Nga và chia sẻ các thông tin thu thập được trong khuôn khổ hợp tác song phương.
Theo đó, chính phủ Nga đã thông qua các dự thảo luật về việc phê chuẩn các thỏa thuận song phương với Việt Nam và Nicaragua làm nền tảng cho việc phát triển quan hệ song phương trong lĩnh vực không gian vũ trụ.
Dự thảo này cũng bao gồm đề nghị thiết lập tại hai nước đối tác các trạm mặt đất của hệ thống GLONASS.
“Thỏa thuận này mang tính định hình và xác định các nguyên tắc, chuẩn mực và điều kiện để phát triển hợp tác song phương trong lĩnh vực hoạt động vũ trụ, bao gồm: bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, phối hợp bảo vệ và trao đổi các loại hình thông tin khác nhau, xác nhận sử dụng đầu cuối và thứ tự giao tiếp tại lãnh thổ quốc gia nhập khẩu với các sản phẩm và công nghệ được bảo hộ, từ đó thiết lập kiểm soát xuất khẩu”, – thông cáo báo chí của Chính phủ Nga cho biết.
Các thỏa thuận không chỉ đề cập việc thiết lập trên lãnh thổ Việt Nam và Nicaragua các trạm mặt đất của hệ thống GLONASS, mà còn kêu gọi các bên coi trọng hợp tác song phương trong các lĩnh vực, như: công nghệ thông tin vũ trụ, thăm dò trái đất từ tầm xa, y học vũ trụ và công nghệ sinh học…
Trước đó, Việt Nam và Nga đã ký kết thỏa thuận liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình.
Văn kiện này đã được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam gần đây nhất của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GLONASS là một phiên bản của Nga tương tự hệ thống GPS của Mỹ. GLONASS cho phép xác định vị trí và tốc độ chuyển động của các phương tiện đường bộ, đường biển và đường hàng không với độ chính xác đến 1 mét. Hệ thống này bắt đầu được triển khai ở Liên Xô từ năm 1982 sau khi vệ tinh đầu tiên được phóng lên quỹ đạo vào tháng Mười cùng năm.
Ngày 24/9/1993, hệ thống này chính thức được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, phải đến năm 1995 hệ thống này mới có đầy đủ 24 vệ tinh cùng làm việc trên quỹ đạo theo như thiết kế ban đầu.
Theo Vietnam+