Nga chuẩn bị chế tạo tàu ngầm mới, có kích thước gấp hai lần máy bay phản lực dân dụng thương mại lớn nhất thế giới và sẽ sớm được đưa vào để khám phá Bắc Cực.
Nga đang phát triển tàu ngầm mới khổng lồ với hy vọng có thể khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa được khai phá ở Bắc Cực và thực hiện nghiên cứu khoa học.
Được biết, tàu ngầm Nghiên cứu Bắc Cực là sản phẩm ra đời từ Phòng thiết kế Rubin, nơi đã tạo ra những chiếc tàu ngầm mang tên lửa Typhoon của Liên Xô vào những năm 1980.
Tàu ngầm Nghiên cứu Bắc Cực là sản phẩm ra đời từ Phòng thiết kế Rubin.
Con tàu này sẽ là tàu dân dụng chở dầu lớn nhất từ trước tới nay và sẽ được cung cấp năng lượng từ lò phản ứng hạt nhân.
Việc chế tạo tàu ngầm khổng lồ này sẽ bắt đầu vào năm 2020. Con tàu được thiết kế để tiến hành các cuộc điều tra thăm dò bằng cách sử dụng sonar (hay còn gọi là hệ thống định vị dưới nước bằng âm thanh) với tần số rất thấp, có thể cho phép xâm nhập xuống đáy biển.
Theo báo cáo trên tạp chí Popular Mechanics, điểm đặc biệt là tàu ngầm sẽ có hai bộ máy sonar giống như hai cánh có thể rút lại thành thân tàu. Điều này sẽ cho phép tàu ngầm Nghiên cứu Bắc Cực ghi lại được những hình ảnh xung quanh theo mọi hướng.
Các chuyên gia so sánh con tàu ngầm mới có thể lớn gấp 2 lần chiếc Airbus A380, chiếc máy bay chở khách lớn nhất thế giới hiện nay.
Tàu ngầm mới lớn gần 2 lần máy bay Airbus A380. (Ảnh: Shutterstock/ Eastimages).
Ông H.I. Sutton, nhà phân tích của trang tàu ngầm Covert Shores cho biết: “Không có khả năng cánh tàu ngầm được sử dụng để nâng đỡ giống như máy bay.
Điều này sẽ làm giảm hiệu suất của tàu vì cánh tàu sẽ phải liên tục sử dụng hệ thống điều khiển cân bằng để duy trì chiều sâu chính xác. Việc sử dụng cánh tàu ngầm như vậy cũng gây ra tiếng ồn làm cho các sonar hoạt động kém hiệu quả”.
Sutton cho biết thêm: “Sẽ có nhiều nơi ở Bắc Cực, những nơi mà tàu ngầm không thể vượt qua vì cánh của nó quá rộng để có thể tránh được những cột băng nhô ra. Những cánh này có thể mở rộng xuống dưới hàng trăm mét hoặc thậm chí xuống tới đáy biển”.
Tàu ngầm khảo sát dân dụng sẽ không có vũ khí. Tuy nhiên, nó sẽ có các thiết bị phóng ngư lôi dưới nước ở vị trí cho phép các nhà nghiên cứu tiến hành thăm dò sâu hơn để tiếp cận các khu vực “bí ẩn”.
Tàu ngầm có kích thước “khủng”. (Ảnh: H.I.Sutton).
Theo các chuyên gia, con tàu ngầm ước tính dài khoảng 135,5 mét, rộng 14,4 mét và nặng tới 13.820 tấn. Với sải cánh dài tới 100 mét, tàu ngầm khổng lồ có thể đạt tới tốc độ tối đa là 12,6 hải lý/ giờ.
Với thiết kế “ngoại cỡ”, tàu ngầm có thể đạt tốc độ tới 12,6 hải lý/ giờ. (Ảnh: H.I.Sutton).
Tàu ngầm mới của Nga dự tính sẽ có một đoàn thủy thủ khoảng 40 người và có khả năng lặn liên tục trong các nhiệm vụ kéo dài đến 90 ngày. Một điểm vượt trội nữa là con tàu có thể hoạt động ở độ sâu lên tới 400 mét.
Với đầu tư “khủng” cho con tàu ngầm mới, chính phủ Nga hy vọng có thể tìm được tài nguyên khoáng sản và năng lượng ở vùng đất băng giá là Bắc Cực, nơi đang chịu ảnh hưởng lớn của nóng lên toàn cầu và tốc độ băng tan khủng khiếp.
Theo Trí Thức Trẻ