Nga lại mất liên lạc với vệ tinh phóng cho nước ngoài

Nga lại mất liên lạc với vệ tinh phóng cho nước ngoài

Liên tiếp hai sự cố mất liên lạc với vệ tinh trong vòng 2 tháng khiến dư luận đặt ra câu hỏi đâu là nguyên nhân và đã được Phó thủ tướng Nga trả lời vào ngày 27/12: do lỗi con người!

Energia, công ty sản xuất tàu vũ trụ hàng đầu của Nga, ngày 27/12 cho biết nước này đã mất liên lạc với vệ tinh Angosat-1, vệ tinh viễn thông quốc gia đầu tiên của Angola.

Energia, nhà sản xuất Angosat-1, cho biết không lâu sau khi rời bệ phóng ngày cùng ngày, vệ tinh đã đi vào quỹ đạo định sẵn và thiết lập được liên lạc như kế hoạch. Tuy nhiên, vệ tinh này sau đó đã ngừng truyền về dữ liệu đo đạc.

Các chuyên gia của Energia đang phân tích số dữ liệu thu được và nỗ lực khôi phục lại liên lạc. Cơ quan hàng không vũ trụ Angola cho biết còn quá sớm để có thể bình luận về sự cố này.

Nga lại mất liên lạc với vệ tinh phóng cho nước ngoài
Tên lửa đẩy Zenit-2SB mang theo vệ tinh Angosat-1 rời bệ phóng ngày 27/12 từ Trung tâm vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan – (Ảnh: AFP).

Theo Energia, sự cố tương tự cũng từng xảy ra với vệ tinh của một số quốc gia, trong đó có Mỹ và Kazakhstan. Năm 2006, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã khôi phục thành công kết nối với một vệ tinh sau gần 2 năm mất liên lạc.

Tên lửa đẩy mà Nga sử dụng trong vụ phóng lần này là Zenit-2SB do Ukraine cung cấp, đánh dấu một dự án chung hiếm hoi mà hai quốc gia cùng thực hiện kể từ sau khi căng thẳng bùng phát sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Dự án phóng vệ tinh này đã được Nga và Angola ký kết từ năm 2009 với giá trị gần 280 triệu USD, do các ngân hàng nhà nước của Nga cấp vốn. Theo kế hoạch, vụ phóng được thực hiện từ mùa hè vừa qua nhưng đã bị hoãn do một số lý do kỹ thuật.

Hồi tháng 11, Meteor-M, một vệ tinh thời tiết, đã mất liên lạc với mặt đất sau khi được phóng từ bãi phóng Vostochny ở vùng viễn đông Nga. 18 vệ tinh nhỏ hơn thuộc các công ty khoa học, nghiên cứu và thương mại từ Nga, Na Uy, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada và Đức đều có mặt trên cùng tên lửa đẩy với Meteor-M.

Vụ phóng vệ tinh trị giá 2,6 tỉ rúp (khoảng 45 triệu USD) vì vậy được xem như thất bại.

Trả lời kênh truyền hình Rossiya 24 ngày 27/12, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin xác nhận lỗi của con người là nguyên nhân, có vẻ như là do thói quen của các lập trình viên.

Theo ông Rogozin, tên lửa đã được lập trình như thể nó đang cất cánh từ Baikonur – một cơ sở không gian được Nga thuê tại Kazakhstan, tức cách địa điểm phóng thực tế là Vostochny hàng nghìn km!

Baikonur chính là địa điểm Nga phóng vệ tinh cho Angola ngày 27/12 và mất liên lạc sau đó như đã nêu ở trên. So với Baikonur, Vostochny là “tân binh”, được xem là bãi phóng vũ trụ dân dụng đầu tiên của Nga, được đưa vào hoạt động từ năm ngoái.

Trong thời gian hoạt động 15 năm, vệ tinh của Angola có nhiệm vụ tăng cường các hoạt động kết nối vệ tinh, tiếp cận mạng Internet, sóng truyền thanh và các dịch vụ truyền hình cho quốc gia này. Hơn 50 kỹ thuật viên vũ trụ Angola được đào tạo tại nhiều quốc gia trên thế giới gồm Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga sẽ giám sát quá trình hoạt động của vệ tinh từ trung tâm kiểm soát gần thủ đô Luanda.

 

Theo Tuổi trẻ