Nga sẽ thử nghiệm loại tên lửa không gian mới đầu tiên kể từ sau năm 1991 và phóng đi từ lãnh thổ trong nước, nhằm hạn chế sự lệ thuộc vào sân bay vũ trụ ở Kazakhstan và các khu vực khác.
Quá trình nghiên cứu và chế tạo tên lửa Angara-1.2PP kéo dài trong hơn 20 năm, kể từ sau khi Liên Xô tan rã. Thế hệ tên lửa Angara sử dụng nhiên liệu sạch, khác với loại nhiên liệu hydrazine độc hại mà tên lửa Proton sử dụng.
Một tên lửa đẩy Angara. (Ảnh: RIA Novosti)
Tên lửa mới sẽ được phóng đi từ khu vực nằm trong nước Nga, tại sân bay vũ trụ quân sự Plesetsk, cách thủ đô Moscow khoảng 800km về phía bắc.
“Đây là thiết bị phóng đầu tiên được phát triển và xây dựng từ đầu tại Nga. Mọi thứ khác mà chúng tôi có là sự hiện đại hóa các di sản từ Liên Xô”, Reuters dẫn lời Igor Lissov, một chuyên gia nghiên cứu, cho hay.
Việc chế tạo và thử nghiệm loại tên lửa mới được coi là trọng tâm trong kế hoạch cải cách ngành công nghiệp không gian quốc gia của Nga. Kế hoạch được Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái, bao gồm việc xây dựng một căn cứ phóng mới ở vùng Viễn đông.
“Việc đưa tên lửa Angara vào hoạt động sẽ cho phép Nga tiếp cận vùng quỹ đạo thấp của Trái Đất và đảm bảo tính độc lập trong lĩnh vực nghiên cứu không gian”, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin khẳng định.
Theo một số chuyên gia, mối quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Moscow và Kiev, sau tuyên bố sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga và hoạt động của lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine, đã chứng minh cho nhu cầu giảm phụ thuộc vào sản xuất và bãi phóng nước ngoài.
Theo Vnexpress