Ngắm nhìn 8 thí nghiệm hóa học “ảo điên đảo” chỉ trong 1 bức ảnh

0
122
Ngắm nhìn 8 thí nghiệm hóa học

Sau khi xem những thí nghiệm sau đây, bạn sẽ thấy hóa học thực sự rất thú vị đấy.

Hóa học có lẽ là bộ môn “thú vị” nhất trong những môn thuộc về tự nhiên (toán, lý, hóa, sinh). Sự thú vị là ở chỗ chúng ta có thể biến thành ảo thuật gia, tự tay thực hiện những thí nghiệm “ảo tung chảo” mỗi khi đến tiết thực hành.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có may mắn được chiêm ngưỡng những thí nghiệm như vậy. Và nếu bạn nằm trong số đó, hi vọng bức hình dưới đây sẽ phần nào làm thỏa mãn ước nguyện của bạn.

Đến đây, hẳn bạn sẽ tò mò về những gì đang diễn ra trong bức hình? Lời giải sẽ có ngay sau đây.

1. Chlorine và nước soda


Đây được xem là một phản ứng khá nguy hiểm.

Bột trắng trong hình là canxi hydrochlorite (Ca(ClO)2) – chất thường được dùng để tẩy bể bơi. Chất này khi tác dụng với một lượng nhỏ axit photphoric có trong các loại nước giải khát sẽ giải phóng một lượng khí clo khổng lồ trong thời gian ngắn.

Đây được xem là một phản ứng khá nguy hiểm, vì khí được tạo thành có thể đủ lớn để gây nổ. Hơn nữa, clo cũng là một khí độc, có hại cho sức khỏe.

2. Xêsi (Caesium – Cs) và nước


Phản ứng này diễn ra tương đối mạnh, có thể làm vỡ ống nghiệm nếu cho quá liều.

Xêsi là một kim loại kiềm giống như Natri và Kali, vì thế nó phản ứng rất mạnh với nước tạo thành Bazo CsOH và khí hydro bay lên.

Phản ứng này diễn ra tương đối mạnh, thậm chí có thể phá vỡ ống nghiệm thủy tinh nếu cho quá liều cho nên cần rất cẩn trọng khi thực hiện.

3. Đồng II sunfat (CuSO4) và sắt (Fe)


Đây là ví dụ tiêu biểu của phản ứng thế.

Kết quả tạo thành sẽ giống như trong hình: Cu và FeSO4. Đây là ví dụ tiêu biểu của phản ứng thế. Các ion sắt sẽ bị hòa tan, đồng thời đẩy các ion đồng ra khỏi dung dịch, tạo thành kết tủa màu nâu đỏ.

4. Xà phòng và sữa (xúc tác bằng màu thực phẩm)


Đổi màu “ảo tung chảo”.

Thành phần chủ yếu của sữa là nước, nhưng ngoài ra còn có các vitamin, khoáng chất, protein và cả chất béo. Trong đó chất béo và protein rất nhạy cảm nếu như dung dịch xung quanh thay đổi.

Và đây là lúc trò vui bắt đầu. Dung dịch xà phòng có đặc tính “lưỡng cực” khá kỳ lạ, trong đó một đầu phân tử có thể thấm nước, còn một đầu thì không. Chính vì thế khi thả vào dung dịch, một đầu của xà phòng sẽ tan vào nước, đầu còn lại bám vào các phân tử chất béo và protein, khiến liên kết giữa chúng bị suy yếu. Cuối cùng, các phân tử chất béo sẽ bị uốn cong, phân tán đi mọi hướng.

5. Đốt cháy thủy ngân Thiocyanate


Đây là phản ứng cực nguy hiểm, có thể gây chết người.

Nếu bạn phân hủy thủy ngân (II), cụ thể là hợp chất thiocyanate (Hg(SCN)2), bạn sẽ có cảm giác như mình đang “rơi” xuống địa ngục.

Khi đốt, thủy ngân (II) thiocyanate sẽ gây ra phản ứng tỏa nhiệt tạo ra một ngọn lửa màu xanh và “những chú rắn nâu” lớn lên không ngừng, loằng ngoằng trên không trung.

Lưu ý: Đây là một phản ứng rất nguy hiểm, do thủy ngân vốn là chất rất độc, có thể gây chết người.

6. Đốt cháy Liti (Lithium)


Lithium là một chất ăn mòn, dễ cháy nổ.

Lithium là kim loại nhẹ nhất trong bảng tuần hoàn. Giống như các kim loại kiềm khác, Lithium là một chất ăn mòn, dễ cháy nổ. Phản ứng đốt cháy lithium được coi là một trong những phản ứng đỉnh cao trong hóa học, do vẻ đẹp nó tạo thành.

7. Đốt cháy Ammonium Dichromate


Quá trình đốt sẽ tạo ra một lượng lớn khí Nito bay lên.

Không chỉ thủy ngân Thiocyanat, Ammonium Dichromate (NH4)2Cr2O7 khi đốt cháy cũng tạo thành quái vật rắn. Cụ thể, quá trình đốt sẽ tạo ra một lượng lớn khí Nito bay lên, đẩy sản phẩm còn lại là oxit Cr2O3 lên cao thành hình con rắn.

8. Đốt cháy canxi gluconate


Để được giống như thí nghiệm trên, thứ ta cần đốt là canxi gluconate C12H22CaO14.

Thực chất, đốt canxi sẽ chỉ tạo thành canxi oxit CaO. Để được giống như thí nghiệm trên, thứ ta cần đốt là canxi gluconate C12H22CaO14.

Cũng tương tự như khi đốt cháy Ammonium Dichromate, hợp chất này tạo ra một lượng lớn CO2 bay lên, đẩy sản phẩm còn sót lại của quá trình đốt cháy lên cao, tạo thành hình ảnh “rắn địa ngục” trỗi dậy.

 

Theo Trí Thức Trẻ