Ngày 7/7 Âm lịch, lễ tình nhân của người phương Đông

Nếu như ngày lễ Valentine 14/2 của phương Tây đã trở nên quen thuộc với mọi người trên toàn thế giới, thì người Trung Quốc cũng rất tự hào rằng ngoài Valentine, họ còn có một ngày lễ tình nhân của riêng mình: Lễ Qixi vào ngày 7/7 Âm lịch hàng năm. Ngày lễ Qixi đã có xuất hiện ở Trung Quốc từ thời nhà Hán (từ năm 206 trước CN đến năm 220 sau CN), bắt nguồn từ truyền thuyết về Ngưu Lang – Chức Nữ.
Ngày 7/7 không chỉ là ngày vợ chồng Ngưu Lang Chức Nữ được gặp nhau, mà trở thành ngày lễ giới trẻ Trung Quốc bày tỏ tình cảm. Ngày lễ Qixi (phiên âm: Thất Tịch) giờ đây được tổ chức theo cả phương thức truyền thống lẫn hiện đại. Trước kia, đây là ngày lễ dành cho các cô gái chưa chồng cầu nguyện cho nàng tiên “Thợ dệt”- tên gọi khác của Chức Nữ. Các cô gái mong muốn mình sẽ có được đôi bàn tay khéo léo trong các công việc nữ công gia chánh, đặc biệt là thêu thùa dệt vải. Có vùng thì các cô gái cùng cầu nguyện để sau này sẽ lấy được một người chồng tốt, đồng thời tham gia các cuộc thi như tạo hình dưa hấu, thêu… Các cô gái trẻ còn đặt một cây kim lên mặt nước và hi vọng nó không chìm, bởi cây kim tượng trưng cho sự thông minh và trưởng thành. Ở một vài vùng khác, 7 người bạn sẽ cùng nhau làm bánh bột nhào. Trong những chiếc bánh, người ta sẽ giấu 1 cây kim, 1 đồng xu và 1 tờ giấy đỏ. Khi ăn, người nào có cây kim sẽ trở nên khéo léo, người có đồng xu sẽ giàu có, người có tờ giấy đỏ sẽ có một tình yêu đẹp và hôn nhân hạnh phúc.
 Nhưng giờ đây, thông thường người ta tổ chức lễ Qixi không khác gì nhiều so với lễ Valentine phương tây. Đây quả là cơ hội phát tài cho các cửa hàng hoa, các cửa hàng chocolate, quà tặng và các nhà hàng. Thậm chí nhiều gia đình đã chọn ngày này để tổ chức các sự kiện gia đình, hoặc là một bữa barbeque ngay tại sân nhà. Có rất nhiều các sự kiện đặc biệt do chính các địa phương tổ chức. Nổi tiếng nhất là lễ “Ghép đôi tốc độ” được tổ chức tại Tây Hồ, Hàng Châu. Đây là nơi những bạn trẻ hi vọng tìm được “nửa kia” của mình đến chơi và tham gia và các hoạt động tập thể. Những sự kiện “ghép đôi” như thế được tổ chức ở rất nhiều nơi, và thu hút đông đảo những con người vẫn còn cô đơn. Các cặp đôi sẽ được tặng những chiếc vòng với mong muốn tình yêu mãi mãi bền chặt.
  Ngày 7/7 Âm lịch, lễ tình nhân của người phương Đông
 Những điều chưa biết về ngày Valentine Châu Á:
1. Ngày lễ Valentine Trung Quốc còn có những tên gọi khác như “Ngày của những số 7” , “Lễ hội của những cô con gái”, “Ngày sinh nhật của nàng tiên thứ 7”, “Ngày của những kĩ năng” hoặc “lễ hội Chim Ô Thước”.
2. Con bò trong truyền thuyết thực ra là một vị tiên, vì mắc tội mà phải xuống trần đầu thai thành con bò của chàng Ngưu Lang.
3. Nếu như đêm 7/7 trời mưa hoặc có quá nhiều mây, Ngưu Lang và Chức Nữ phải chờ đến tận sang năm mới có thể gặp nhau.
4. Không chỉ có Trung Quốc mới có lễ Qixi. Nhật Bản cũng kỷ niệm lễ hội này để kỷ niệm ngày gặp gỡ của Orihime (Chức Cơ – tức sao Chức Nữ và Hikoboshi (Ngạn Tinh – tức sao Ngưu Lang), gọi là lễ Tanabata. Còn ngày lễ này tại Hàn Quốc được gọi là Chilseok  và lễ hội Thất Tịch ở Việt Nam. 
 
Ở Việt Nam, khi mà truyền thuyết Ngưu Lang – Chức Nữ rất thân thuộc thì giới trẻ cũng bắt đầu coi đây là một dịp đặc biệt để thể hiện tình cảm với người thương. Nếu bạn mong muốn có tình duyên mới, hãy xỏ những sợi chỉ đỏ vào chiếc kim khâu, tết những nút thắt “vĩnh kết đồng tâm” để tặng cho nửa kia hoặc đeo bên mình, hay đơn giản hơn, bạn hãy rủ người ấy ngắm sao. Đêm Thất Tịch, chòm sao Chức Nữ sẽ tỏa sáng vô cùng, nếu bạn nhìn lên bầu trời phía Bắc, ngôi sao sáng thứ hai chính là sao Chức Nữ. Truyền thuyết nói rằng nếu cùng người bạn yêu ngắm sao Chức Nữ vào đêm Thất Tịch, tình yêu ấy sẽ vững bền mãi mãi.
Vậy hóa ra Châu Á cũng có một ngày Valentine lãng mạn riêng của mình đấy!
(Theo Thatmah)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.