Ngày đầu tiên đi làm, nên nói gì và làm gì?

0
103
Ngày đầu tiên đi làm, nên nói gì và làm gì?

Trang phục cho ngày đầu tiên đi làm

Bạn đừng quá hồi hộp mà quên mất lần phỏng vấn trước tại công ty, hãy nhớ lại xem nhân viên công ty mặc đồ phong cách như thế nào hoặc bạn có thể hỏi ngay trong hôm phỏng vấn về đồng phục của công ty (nếu có). Rồi! Bây giờ bạn đã nhớ lại phong cách thời trang công sở của công ty bạn rồi, việc bạn cần làm trước ngày đi làm là lựa chọn một bộ đồ tương tự, là phẳng nó và treo lên móc để ngày mai đi làm.

Bạn không nên chơi trội khi diện những trang phục quá nổi bật trong ngày đầu tiên, “an toàn, thanh lịch” luôn là những từ khóa tốt cho ngày đầu tiên đi làm.

Đầu tóc gọn gàng, móng chân móng tay cắt sạch sẽ và nhớ tắm rửa trước khi đi làm nhé!

Ngày đầu tiên đi làm, nên nói gì và làm gì?

Giới thiệu bản thân

Hãy hít một hơi thật sâu rồi thở ra từ từ nếu như bạn bị hồi hộp, giới thiệu tên tuổi, công việc đảm nhiệm và mong các đồng nghiệp giúp đỡ một cách xã giao nhưng chân thành, khi giới thiệu bạn chớ quên nở một nụ cười mỉm, hoặc thần thái tươi tỉnh, không nên quá nhiệt huyết hoặc quá u buồn, điều chỉnh giọng nói đủ nghe, rõ ràng, không nói to quá, không nhỏ quá, nói ngắn gọn và cúi nhẹ đầu chào, bạn sẽ nhận được thiện cảm từ các “ma cũ”.

Cầu tiến và chuyên nghiệp

Chuyên nghiệp là thái độ quan trọng nhất trong công việc, dĩ nhiên để đạt đến độ chuyên nghiệp cho một tân cử nhân thì không dễ dàng gì, nhưng bạn có thể thể hiện điều đó qua phong thái của bạn. Đừng giấu dốt nếu như có nhiều vấn đề bạn chưa nắm rõ. Ví dụ khi gặp vướng mắc, sau khi tự giải quyết nó một mình mà không ổn, hãy tìm đến cấp trên hoặc đồng nghiệp của bạn, mở lời cầu thị nhẹ nhàng “Anh/chị làm ơn cho em hỏi…ạ?”, sau khi hỏi xong đừng quên “em cảm ơn anh/ chị ạ!”.

Việc giao tiếp trong công sở luôn là một phương tiện hữu ích để bạn có thể phát triển năng lực và được thừa nhận, nên nhớ “khiêm tốn – lắng nghe – im lặng – mỉm cười” luôn giúp ích cho bạn trên con đường làm việc lâu dài tại công ty.

Tuyệt đối không đưa chuyện, tám chuyện, nói xấu đồng nghiệp cũ ngay trong ngày đầu tiên đi làm, tránh nói quá nhiều về bản thân, hãy mở lời hỏi thăm và quan tâm đến “ma cũ” theo phép xã giao, không được hỏi thăm quá sâu đến việc riêng tư, cá nhân của đồng nghiệp. Với đồng nghiệp lớn tuổi luôn lễ phép, xã giao, tránh vồn vã, với đồng nghiệp bằng tuổi thì hòa nhã, cầu thị. (Cầu thị không có nghĩa là nhún nhường).

Mang tinh thần đó trong ngày đầu tiên đi làm, bạn sẽ thấy mọi việc không khó khăn như bạn nghĩ.

Ngày đầu tiên đi làm, nên nói gì và làm gì?

Nếu bị đồng nghiệp nhờ vả…

Trước khi nhận việc, hãy chắc rằng bạn biết công việc chính của mình làm gì, vì thế nếu đồng nghiệp thường xuyên “nhờ” bạn pha trà, mua café, photo tài liệu…thì hãy nhã nhặn từ chối, lấy lý do cần phải hoàn thành công việc của mình. Bạn đến đây là để làm việc, không phải để pha trà…còn nếu họ chỉ nhờ bạn một vài lần, hãy vui vẻ giúp họ…và nếu cần, bạn cũng có thể nhờ lại họ để họ biết được cảm giác qua lại giữa hai đồng nghiệp.

Thực ra, môi trường công sở cũng giống như bất cứ một môi trường làm việc nào, đều có những thuận lợi và khó khăn của riêng nó, việc bạn cần làm là đôi khi bỏ qua một số những “lăn tăn” không đáng kể từ phía đồng nghiệp, nghĩ đến mục đích làm việc của mình, hòa nhã, không thảo mai, cầu tiến và chuyên nghiệp, bạn sẽ luôn được chào đón ngay trong ngày đầu tiên đi làm!

Phượng Ớt

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.