Nghệ thuật điều khiển đám đông

Nghệ thuật điều khiển đám đông

Hitler và Mussolini có khả năng khiến hàng chục triệu người dân tin vào chủ nghĩa phát xít tàn bạo. Giờ đây các chuyên gia tâm lý và thần kinh đã tìm ra bí quyết giúp họ làm được điều đó.

Scott Wiltermuth, một nhà tâm lý của Đại học Stanford (Mỹ) và một số đồng nghiệp nhận thấy việc tổ chức các hoạt động tập thể, như diễu hành hoặc nhảy múa, giúp làm tăng lòng trung thành của đám đông đối với nhóm. “Những hoạt động ấy khiến mọi người cảm thấy họ là một phần của một thực thể lớn hơn, vì thế chúng ta coi tổ chức như cuộc sống của chúng ta”, ông nói.

Nhóm nghiên cứu chia 96 người thành 4 nhóm và cho họ nghe cùng một bài hát. Nhóm thứ nhất nhẩm đọc thầm lời bài hát, nhóm thứ hai hát thành lời, nhóm thứ ba hát thành lời và nhảy múa theo một kiểu thống nhất, nhóm thứ tư nghe và nhảy múa loạn xạ. Sau khi bài hát kết thúc, các chuyên gia hỏi tình nguyện viên về suy nghĩ của họ đối với những người trong nhóm. Kết quả cho thấy phần lớn tình nguyện viên trong nhóm nhảy múa loạn xạ không muốn tiếp tục tham gia, trong khi ba nhóm kia sẵn sàng ở lại cùng nhau nếu thử nghiệm tiếp tục.

Nhà tâm lý Jonathan Haidt của Đại học Virginia (Mỹ) cho rằng nghiên cứu của nhóm Scott giúp giải thích tại sao các trùm phát xít trong Thế chiến II hay sử dụng hoạt động diễu hành và hát tập thể để xui khiến đám đông thực hiện ý chí của họ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng các thủ thuật đó có thể được sử dụng vì mục đích hòa bình. Chẳng hạn, hoạt động nhảy múa và ca hát tập thể tại một khu vực có mâu thuẫn sắc tộc hoặc tôn giáo có thể làm dịu căng thẳng. 

Nghệ thuật điều khiển đám đông

Hoạt động tập thể như diễu hành và nhảy múa làm tăng mức độ gắn bó của mỗi cá nhân đối với nhóm. Ảnh: kiltedband.com.

Trong khi đó, Charles Seger, chuyên gia tâm lý Đại học Indiana (Mỹ) và cộng sự thực hiện một thử nghiệm khác để tìm hiểu tác động của các hình ảnh tuyên truyền đối với con người. Nhóm nghiên cứu chia sinh viên thành hai nhóm rồi cho một nhóm xem các bức ảnh liên quan tới trường đại học. Sau đó các chuyên gia yêu cầu sinh viên tự đánh giá cảm xúc (lòng tự hào, cảm giác hạnh phúc) đối với trường theo thang điểm. Kết quả cho thấy, thang điểm của những sinh viên xem ảnh cao hơn hẳn so với nhóm không xem.

Jonathan nhận xét rằng não của con người có xu hướng buộc chúng ta bắt chước đồng loại. “Chúng ta được lập trình để tự động sao chép hành vi của người khác. Trong não người có một loại tế bào thần kinh đặc biệt. Chúng phát sáng khi chúng ta thực hiện một hành động hoặc xem người khác thực hiện hành động giống hệt chúng ta”, ông nói.

Các nhà khoa học thần kinh đã tìm thấy nhiều bằng chứng ủng hộ giả thiết của Jonathan. Vasily Klucharev, chuyên gia thần kinh tại Hà Lan, phát hiện ra rằng não giải phóng nhiều dopamine (chất gây hưng phấn) hơn khi chúng ta cùng tham gia một hoạt động nào đó với nhiều người. Nhóm của ông yêu cầu 24 phụ nữ đánh giá mức độ hấp dẫn của hơn 200 phụ nữ khác theo một thang điểm. Khi một tình nguyện viên nhận thấy điểm của mình chênh lệch quá lớn so với nhiều người khác, họ có xu hướng điều chỉnh. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy não của tình nguyện viên phát ra “tín hiệu lỗi” mỗi khi một phụ nữ nhận ra sự khác biệt về điểm số so với người khác. “Đó là cách chúng ta học cách làm theo đám đông”, Vasily kết luận.

 

Theo VnExpress (Nature)