Nghiên cứu đất hiếm: Việt Nam đang ở đâu?

Trên thế giới, đất hiếm được ứng dụng nhiều trong những công nghệ mới về năng lượng và quốc phòng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều công trình nghiên cứu về đất hiếm chỉ tập trung vào các ngành có hiệu quả kinh tế thấp.

Từ cuối những năm 1950 thế kỷ trước, Việt Nam đã phối hợp với các viện nghiên cứu của Liên Xô và cả Trung Quốc để nghiên cứu về đất hiếm. Tuy nhiên, PGS-TS Lưu Minh Đại, Viện khoa học Vật liệu, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam thừa nhận: trong nước hiện chỉ mới nghiên cứu về đất hiếm một cách rời rạc và rất ít sản phẩm có thể được ứng dụng thực tiễn.

Lãng phí nghiên cứu

Theo PGS.TS Đại, hiện ở ta có cả trăm công trình nghiên cứu về đất hiếm, từ vật liệu xúc tác xử lý khí thải, phát quang cho đến; biến tích y học, sinh học, nông nghiệp… Thế nhưng đa số các nghiên cứu chỉ dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm.


Một số mẫu vật đất hiếm tại Viện Công nghệ Xạ hiếm. (Ảnh: Như Ý).

Một số nhỏ nghiên cứu đã được ứng dụng như đưa thành phần đất hiếm vào thép để làm tăng giới hạn bền kéo, chống mài mòn, tăng tính dẽo. Trong nông nghiệp, đã có sản phẩm phân vi lượng đất hiếm bán cho nông dân. Còn ở lĩnh lực đang “nóng” hiện nay như điện tử, phát quang, cũng đã có những thành công nhất định, nhưng cũng chỉ là để khẳng định khả năng, chứ chưa thể thương mại hóa được.

Chính nghiên cứu theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ, việc gắn kết lại với nhau chưa có. Từ đó, có thể nói việc nghiên cứu, sử dụng đất hiếm từ xưa đến nay đang rơi vào tình trạng lãng phí.

Thiếu phòng thí nghiệm, nhân lực

Để có thể nghiên cứu sâu, rõ về đất hiếm cần đầu tư phòng thí nghiệm với quy mô cấp phòng thí nghiệm trọng điểm, kinh phí cho nghiên cứu cần vài chục tỷ đồng. TS Nguyễn Kỳ Phương Hạ, khoa Công nghệ hóa học, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nói.

Cơ sở vật chất đã thế… đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu về đất hiếm cũng đang có nhiều lỗ hổng. Các viện, trường thiếu sự chia sẻ thông tin lẫn nhau, và cũng không có một chương trình đủ trọng tâm. Muốn phát triển được phải có đội ngũ nghiên cứu đông đảo và giỏi về đất hiếm. “Thực tế số cán bộ có kinh nghiệm nghiên cứu về đất hiếm đều đã cao tuổi hoặc về hưu, trong khi nhà khoa học trẻ chưa đủ đam mê và yếu về chuyên môn”, một nhà chuyên môn cho biết.


ThS. Nguyễn Duy Pháp đang giới thiệu về tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam (Ảnh: Như Ý).

Một vấn đề không kém phần quan trọng là thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Hiện nay đang có rất nhiều đề tài nghiên cứu về đất hiếm đã hình thành được công nghệ ở quy mô “pilot” (sản xuất thử) nhưng lại không tìm được nơi cần mua công nghệ.

Cả PGS.TS Đại và TS Hạ đều nhìn nhận nhà nước cần đầu tư hơn nữa để có phòng thí nghiệm với máy móc hiện đại đủ để nghiên cứu về đất hiếm. Có đề án, dự án về: phát triển công nghệ, hoặc ngành công nghiệp đất hiếm với chiến lược rõ ràng. Công nghệ trong nước khó làm tới, phải sẵn sàng phối hợp với các nước đã thành công với đất hiếm để nghiên cứu.

Theo ThS Nguyễn Duy Pháp (Viện Công nghệ Xạ hiếm), khi nội lực trong nước chưa đủ, thì phải sẵn sàng phối hợp với các nước tiên tiến để nghiên cứu, khai thác, tách nguyên tố trong lĩnh vực đất hiếm. Từ đó, cùng với sự đầu tư của nhà nước, các nhà khoa học, kỹ sư trong nước mới đi đến làm chủ công nghệ trong nghiên cứu, ứng dụng đất hiếm.

 

Theo Đất Việt