Dù đang phải chịu án phạt cho những lỗi lầm như trộm cắp, bạo lực, thậm chí giết người nhưng các tù nhân tin rằng, mình tốt bụng, hào phóng và có đạo đức hơn nhiều người ở phía ngoài song sắt. Đây là kết quả nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc ĐH Southampton (Anh).
Các nhà tâm lý học thuộc ĐH Southampton cho rằng, hầu hết mọi người luôn tự đánh giá mình có một vài đặc điểm nổi trội hơn người khác. Với những tù nhân, họ thường tự nâng cao bản thân bằng cách so sánh, xem xét và kết luận mình tốt bụng, “đại trượng phu” hơn những người đồng cảnh ngộ khác.
Tuy nhiên, những tù nhân này tự nâng cao bản thân nhưng lãng quên sự thua kém của mình với cộng đồng, đó là đang phải chịu phạt trước những hành vi vi phạm pháp luật.
Constantine Sedikides – giáo sư tâm lý học xã hội và nhân cách thuộc trường ĐH Southampton cùng các đồng nghiệp đã tiến hành một nghiên cứu với 79 tù nhân ở một nhà tù tại miền Nam nước Anh. Theo đó, những tù nhân này sẽ phải hoàn thành vào một bảng câu hỏi, trong đó yêu cầu họ đánh giá bản thân mình với những phạm nhân khác và người ở ngoài xã hội.
Các mức điểm được đánh giá từ 1 – 9 với tiêu chuẩn về đạo đức, lòng nhân ái với người khác, độ tin cậy, trung thực, sự an toàn, lòng từ bi, khoan dung, tự chủ và khả năng tuân thủ pháp luật.
Kết quả chỉ ra, những người tham gia đánh giá mình vượt trội hơn so với các tù nhân khác trên mọi mặt. Và đáng ngạc nhiên hơn, họ cho rằng, mình tốt và đáng tin hơn cả những người ở ngoài xã hội, phía bên kia song sắt nhà tù.
Giáo sư Sedikides cho biết: “Các tù nhân bị ảnh hưởng mạnh bởi động cơ tự nâng cao. Bất cứ hành động nào cũng sẽ khiến họ tin mình nổi trội hơn tù nhân khác và đôi khi còn vượt xa những người bình thường ở khía cạnh tuân thủ pháp luật”.
Ông nói thêm, điều này không hẳn là không tốt bởi những hiệu ứng này sẽ giúp tù nhân ít có khả năng phạm tội hơn trong tương lai. Chính bởi họ quá tự tin, cảm thấy bản thân mình tốt hơn so với những người khác nên họ sẽ tránh cho mình những rắc rối sau khi ra tù.
Tuy vậy, chúng ta cũng nên khuyến khích, hỗ trợ những người không may phạm phải sai lầm có cơ hội bước qua rào cản xã hội, tái hòa nhập cộng đồng thành công, giảm khả năng tái phạm trong tương lai.
Nghiên cứu được hỗ trợ bởi các chuyên gia đến từ ĐH London và ĐH Ohio.