Các nhà khoa học thuộc Đại học McGill Canada và Đại học British Columbia vừa phát hiện, tương tự như con người, loài chuột cũng có thể biểu hiện cảm giác đau đớn trên khuôn mặt.
Việc xây dựng chỉ số đau của chuột có thể giúp con người có được hệ thống đo lường cấp bậc đau đớn, qua đó giúp cải thiện tình trạng sinh tồn của động vật thí nghiệm.
Các nhà khoa học đứng đầu là nhà di truyền học Jeffery Moselle thuộc Đại học McGill đã tiến hành phân tích so sánh hình ảnh khuôn mặt của chuột trước và trong thời gian bị kích thích đau.
Cụ thể các nhà khoa học đã thực hiện tiêm vào chuột một chất gây viêm (đây là chất được sử dụng rộng rãi trong thí nghiệm độ nhạy cảm với sự đau đớn ở động vật gặm nhấm).
Sau đó các nhà khoa học đã đưa kết quả hình ảnh thu được tới phòng thí nghiệm của Đại học British Columbia để tiến hành xây dựng chỉ số biểu đạt sự đau của chuột.
Các nhà khoa học đã tiến hành đánh giá và cho điểm về chỉ số đau đớn của chuột căn cứ vào 5 loại đặc trưng trên khuôn mặt chuột, đó là độ nhắm mở của mắt, độ phập phồng của mũi và má, độ rung động của tai và râu.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học xây dựng thành công chỉ số biểu đạt sự đau bằng cách kiểm định phản ứng tự phát của động vật khi ở trạng thái đau đớn như con người.
Nhà khoa học Jeffery Moselle cho biết, do nghiên cứu sự đau đớn ở mức độ rất lớn phụ thuộc vào mô hình động vật gặm nhấm, việc đo đạc chính xác cấp độ đau có ý nghĩa quan trọng trong tìm hiểu chứng bệnh đau mãn tính phổ biến nhất hiện nay đó là bệnh đau tự phát.
Chỉ số biểu đạt đau đớn của chuột có ý nghĩa quan trọng cung cấp hệ thống đo lường cho con người, giúp đẩy nhanh nghiên cứu thuốc chống đau thế hệ mới, đồng thời cũng giúp xóa bỏ sự đau đớn không cần thiết cho chuột trong quá trình thí nghiệm y học sinh vật, đặc biệt có ý nghĩa to lớn trong công tác chăm sóc thú y./.
Theo Vietnam+