Nghìn ngày và trăm nghìn giờ – Nghề làm mẹ

0
115
Nghìn ngày và trăm nghìn giờ - Nghề làm mẹ
4 năm, tức là 1.460 ngày, là có cả những ngày con vừa hết sốt phát ban lại tiếp luôn chân tay miệng. Mẹ những ngày đó, vừa chăm con vừa cố gắng cấp tốc nạp hết những kiến thức cơ bản về “sốt co giật”, về “viêm da”, về “sởi”, về “viêm phổi”, về “sốt xuất huyết” trước khi đến được với kết luận là sốt phát ban hay chân tay miệng. Cứ mỗi triệu chứng mới về bệnh của con lại cho mẹ thêm 2, thậm chí là 3 phán đoán bệnh. Và đó cũng là những ngày mẹ tìm hiểu về paracetamol, về aspirin, về “hệ miễn dịch”.
 
Trộm vía, con đến 3 tuổi gần như không uống một viên thuốc kháng sinh nào… Mẹ tự cấp thêm cho mình 1 “chứng chỉ” về vai trò kiểm tra giám sát, ra quyết định theo hướng “Cố gắng hạn chế và không lạm dụng thuốc” cho con. 
 
4 năm, tức là 35.040 giờ, là có cả những giờ buổi đêm mẹ ôm con hoang mang bối rối không biết làm thế nào vì con cứ khóc – chỉ sau 3 ngày con từ viện về. Mẹ thậm chí có lúc đã stress cực độ, chỉ muốn … vứt quách con đi, vì con chỉ ngủ 30 phút mỗi lần chứ ko “im như chó cún” như các bé khác. Và rồi mẹ học được cái gọi là “sinh lý giấc ngủ”, học được việc “luyện thời khóa biểu ngủ” cho con.  Và mẹ cũng hiểu ra rằng là nếu mẹ không tự chăm sóc bản thân tốt, ít nhất là không có thái độ tích cực, thì điều đó rất dễ lây sang con, và sẽ khiến cả mẹ lẫn con mệt mỏi.
 
Nghìn ngày và trăm nghìn giờ - Nghề làm mẹ
Hiểu được rồi, thì mẹ và con hợp tác tốt hơn, nhuần nhuyễn hơn. 
(Ảnh minh họa: coralspringscounselingcenter)
 
Mẹ cũng được thêm 1 “chứng chỉ” về kỹ năng chăm con và cả “chứng chỉ” về việc tự chăm sóc bản thân nữa. 
 
4 năm, tức là 192 tuần, là cả những tuần con bắt đầu ăn dặm, và bắt đầu… biếng ăn. Dù đã xác định “con có cả 1 quãng đời dài phía trước để tăng cân nếu muốn” nhưng để có được cái sự hoàn toàn bình thản về cân nặng của con, mẹ cũng phải trải qua nhiều lần dao động, nhiều tuần căng thẳng tìm nguyên nhân tại sao. Để có thể an nhiên tới mức con không ăn cơm nhà thì mình ra hàng, rồi con chỉ ăn món này không ăn món kia, mẹ phải tham khảo từ “tâm sinh lý theo tháng tuổi” của babycenter, tới các bài viết phân tích về biếng ăn “eating disoder”, rồi cả việc lôi kiến thức ăn dặm kiểu Nhật ra rà soát, nhuần nhuyễn lại lần nữa xem mình liệu có sai ở đâu, liệu có cách nào có thể áp dụng cho con không.
 
May sao, mẹ con mình đã cùng nhau kiên cường vượt qua giai đoạn này. Và dù đến giờ con vẫn đang chưa thật ổn (tức là chưa ăn uống… tốt như mẹ í), nhưng ít nhất thì con luôn coi mỗi bữa ăn là 1 bữa vui. 
 
Mẹ tự cấp cho mình “chứng chỉ” tôn trọng con, tìm hiểu cùng con.
 
Đó là chưa kể những lúc mẹ ngồi “ngâm cứu” từng cái tã sau khi con ị, chỉ để xem con tiêu hóa như vậy đã ổn chưa, có vấn đề gì không. Đó là chưa kể những giờ con ngủ rồi còn mẹ lọ mọ trên mạng, chỉ vì băn khoăn liệu con có ít đồ chơi quá hay ko. 
 
Đến giờ, sau hơn 30 nghìn giờ hay là sau hơn 1 nghìn ngày hay là gần 200 tuần, thì mẹ mới tạm cho mình đã vượt qua được giai đoạn “thử việc” của Nghề làm mẹ. 
Mẹ chưa dám nói những gì mẹ làm thật sự là đúng, là tốt; nhưng mẹ có thể tự tin nói sẽ cố gắng truyền cho con biết thế nào là NÓI THẬT, thế nào là DŨNG CẢM, thế nào là CHỊU TRÁCH NHIỆM, thế nào là VÌ CỘNG ĐỒNG, thế nào là TÔN TRỌNG BẢN THÂN. 
 
Mẹ chỉ hy vọng, con sẽ làm việc tốt nhất cho đời và cho chính con, bằng việc sống thật tốt.
 
Nguyễn Tú Anh
logo smaill
 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.