Từ núi Sinai, Moses đã nhận 10 điều răn thiêng liêng cho những ai giữ vững đức tin vào chúa.
Đối với các giáo dân Thiên chúa, dãy núi Sinai, hay còn gọi là dãy Moses nằm trên bán đảo Sinai là một địa danh thần thánh, linh thiêng. Trong những phần đầu của Kinh Thánh, Sinai đã được nhắc đến và gắn liền với huyền tích về Moses, nhà tiên tri vĩ đại của người Do Thái.
Tương truyền, Moses, người chăn chiên trong lúc đang dẫn đàn gia súc của mình tới ngọn núi đã nghe thấy tiếng gọi của chúa từ trên cao. Chúa trời truyền cho ông phải đến Ai Cập, dẫn dắt dân của chúa đi tìm đất thánh. Theo ý chúa trời, Moses đã lên đường tới Ai Cập, hiển thần uy, biến nước biển thành máu đỏ, rẽ biển thành đường để đưa người dân Do Thái ra đi.
Sau khi rời Ai Cập 3 tháng, người Do Thái đến sa mạc Sinai và dựng lều nghỉ trước ngọn núi thiêng. Moses lại nhận được tin truyền của chúa và chính tại núi Sinai, chúa đã trao cho Moses 10 điều răn thần thánh, để ông truyền lại cho những người có đức tin, tiếp tục cuộc hành trình đi tìm nơi an cư lạc nghiệp. Cũng từ đó, Sinai luôn được nhắc đến như một chốn linh thiêng, huyền bí.
Cho tới ngày nay, rất nhiều nhà khảo cổ và học giả lừng danh đã lên đường tìm kiếm địa điểm chính xác nơi xảy ra bí tích này nhưng mọi công trình nghiên cứu đều đi vào ngõ cụt và bế tắc. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra nhưng chưa một ai chứng minh và bảo vệ được giả thuyết của mình. Những câu hỏi không lời đáp này lại càng thu hút nhiều du khách đến với Sinai.
Các lộ trình tham quan Sinai thường bắt đầu từ nhà nguyện St.Catherine, nằm trên sườn núi Sinai và du khách có thể tham quan bằng ô tô, lạc đà hoặc đi bộ. Đường mòn trong núi được gọi là đường mòn Moses, nối liền nhà nguyện St Catherine với nhiều nhà nguyện, nhà thờ lớn nhỏ trong núi.
Nhà thờ St. Catherine.
Đặc biệt, đến với Sinai buổi xế chiều, du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh hoàng hôn đẹp đến nao lòng trên những vách núi, thung lũng đậm sắc đỏ sa huỳnh.
Trên đỉnh Sinai, du khách còn được viếng thăm nhà thờ Holy Trinity, xây dựng từ năm 1934, bằng các nguyên liệu của nhà thờ Justinian có từ thế kỷ thứ 6.