Ngồi dưới gốc cây nghiên cứu khoa học

Những năm gần đây, trong các hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tại các tỉnh thành, số lượng nông dân với các đề tài mang tính ứng dụng thực tế xuất hiện ngày càng nhiều.

Không hẹn, hai anh nông dân huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cùng đoạt giải thưởng cao về sáng tạo khoa học đều bắt đầu với những bức xúc của chính mình…

Chống sượng cho trái sầu riêng

Ông Hai Hoa bên cây bưởi có nhánh nhện đang trổ hoa (Ảnh: TTO)

Anh nông dân Dương Văn Lợi (ấp Sơn Châu, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách) nói: “Trước đây một năm thu hoạch được 56 trái thì có 12 trái bị trả lại vì sượng”. Chính vì bức xúc chuyện sầu riêng bị sượng, anh Lợi đã mày mò nghiên cứu trên những gốc sầu riêng của vườn nhà. Quan sát thực tế anh Lợi nhận thấy những năm có mùa nắng kéo dài thì sầu riêng cho trái ăn rất ngon và số trái bị sượng cũng ít hẳn.

Vì vậy đến mùa mưa năm sau, anh Lợi thử tìm cách tạo môi trường khan nước cho rễ cây sầu riêng bằng cách dùng tấm nilông che quanh gốc cây. Anh kể: “Bước đầu tôi chỉ dám thử nghiệm với duy nhất một cây. May mắn là cây được che gốc cho trái ngon hẳn và gần như không có trái sượng”.

Sau đó anh nông dân chỉ mới học hết lớp 5 bắt đầu nhân rộng việc che gốc tạo môi trường khan nước cho cây vào mùa mưa. Suốt mấy năm vừa làm vừa quan sát, anh đã đúc kết được kỹ thuật che gốc cho cây. Phương pháp này không chỉ ứng dụng có hiệu quả cho giống sầu riêng monthong (Thái Lan) ở vườn nhà anh mà còn có thể sử dụng cho hầu hết giống sầu riêng khác (trừ giống sầu riêng cơm sữa), khắc phục được gần 90% hiện tượng trái bị sượng vào mùa mưa.

Tại hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần 1 năm 2005, đề tài “Biện pháp khắc phục hiện tượng sượng trái sầu riêng” của anh Lợi đã đoạt giải nhì và là một trong 35 giải pháp sáng tạo khoa học kỹ thuật xuất sắc đã được thử nghiệm thành công và ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn sản xuất.

Tạo bưởi da xanh từ đọt của nhánh nhện

Anh Dương Văn Lợi bên những tấm mủ nilông che gốc cho cây (Ảnh: TTO)

Thường cây bưởi chỉ ra trái ở đọt của nhánh lớn, trong khi nhánh nhện (nhánh nhỏ chằng chịt) lại rất ít khi ra hoa, do vậy người trồng bưởi hay tỉa bỏ những nhánh nhện để tạo sự thông thoáng cho cây.

Sau nhiều ngày quan sát, ông nông dân Lê Văn Hoa (Hai Hoa) ở ấp Tân Phú, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách đã phát hiện nhánh nhện không chỉ có chức năng điều hòa độ ẩm cho cây mà còn có thể cho ra trái…

Khi cây bưởi trồng được hai năm tuổi, thay vì tỉa bỏ những nhánh nhỏ cho cây thông thoáng, ông chọn những cành có đọt lá màu xanh đậm và chăm sóc đặc biệt khoảng mười ngày để cây ra chồi mới, sau đó tỉa bỏ 100% lá ở những nhánh nhện đã chọn. Sau 20-25 ngày, chồi non và chồi hoa sẽ phát triển ở những nhánh nhện đã tỉa lá. Khi trái đạt đường kính 4-5cm thì người trồng sẽ tỉa bớt và chỉ giữ tối đa hai trái để đảm bảo độ dinh dưỡng và sức chịu lực của cành.

Ông Hai Hoa cho biết: bình thường một năm bưởi da xanh ra trái hai lần. Thế nhưng từ ngày ông tìm ra kỹ thuật này, vườn nhà ông lại cho trái quanh năm. Trái đậu từ nhánh nhện có trọng lượng 1,7-2kg, to gấp đôi so với trái mọc từ nhánh đọt mà vẫn giữ được vị giòn và ngọt thanh. Năng suất thu được cũng tăng gấp đôi. Trung bình cứ một công bưởi da xanh (1.000m2), ông Hai Hoa thu được 25-30 triệu đồng từ tiền bán bưởi.

Công trình nghiên cứu cho bưởi da xanh ra hoa trong thân của ông đã đoạt giải nhất cuộc thi “Nông dân sáng tạo” lần 1 năm 2005 do T.Ư Hội Nông dân VN tổ chức.

THU THẢO

 

Theo Tuổi trẻ