Một buổi sáng cuối tháng Ba, trong cái nắng hanh hao còn sót lại của mùa xuân, chúng tôi tìm đến một nơi không ồn ào, náo nhiệt, không đông đúc, chật chội như những ngày thường nhật ở trung tâm thành phố Huế… Đó là nơi chỉ nghe tiếng gió xào xạc và rợp bóng những hàng cây xanh mát, có lối mòn dẫn vào ngôi chùa Trúc Lâm xưa cổ, và ngay cạnh chùa là một ngôi nhà màu trắng đơn giản mà độc đáo, đủ để thu hút mọi ánh nhìn.
Chúng tôi đẩy cánh cổng bước vào, và ngạc nhiên là cánh cổng không hề được khoá. Ngôi nhà một tầng nằm trên khuôn viên rộng lớn, với địa hình không bằng phẳng tạo nên những đường dốc và các bậc cấp dẫn đến ngôi nhà.
Chúng tôi nhìn thấy những đôi dép được xếp gọn gàng bên ngoài, thế nhưng không hề có ai đáp trả sau đôi ba lần gọi cửa. Chỉ có 2 chú chó nhỏ chạy đến, quấn vào chân chúng tôi.
Dạo một vòng quanh ngôi nhà, chúng tôi thực sự thích thú với cảnh sắc thiên nhiên nơi đây. Không khí trong lành và yên tĩnh, bốn bề là vẻ hoang sơ của đám cây cỏ hiền lành.
Hơn thế nữa, niềm yêu thích và lối sống chan hoà với thiên nhiên của chủ nhà được thể hiện rõ qua những luống rau xanh rờn được vun trồng và chăm sóc cẩn thận trên chính mảnh đất của mình.
Mãi nhẩn nha nhìn ngắm cảnh vật thì một người đàn ông trung niên lái chiếc xe gắn máy cũ đi vào. Sau đôi ba lời giới thiệu ngắn gọn thì chúng tôi biết rằng, chú ấy là người đảm nhận việc coi sóc ngôi nhà khi gia chủ đi vắng.
Thực tế là rất khó để chúng tôi có thể gặp và trò chuyện được với chủ nhân ngôi nhà bởi họ đang sống và làm việc tại TP HCM. Ngôi nhà này được xây cất trên mảnh đất tổ tiên để lại với mục đích nghỉ dưỡng khi có dịp về Huế.
Cả hình khối lẫn không gian nội thất bên trong ngôi nhà đều mang hơi hướng của kiến trúc tối giản (minimalist Architecture).
Phòng khách với các trang thiết bị tối cần thiết, được bố trí gọn gàng và ngăn nắp.
Dãy cột được bố trí khéo léo vào bên trong, tạo khoảng ghế ngồi để thưởng thức cảnh vật phía bên ngoài qua cửa kính trong suốt. Ở đây, có sự giao thoa giữa bên trong – bên ngoài, giữa cái chung – cái riêng một cách hài hoà và tinh tế.
Ngôi nhà là nơi thể hiện cá tính và tư duy của mỗi gia chủ và kiến trúc sư là người có thể giúp họ làm được điều đó thông qua ngôn ngữ kiến trúc. Một người yêu mến đạo Phật, thì hẳn nhiên căn nhà của họ toát lên vẻ ung dung và tĩnh tại.
Nhắc đến Huế là nhắc đến “cái nôi của Phật giáo”, vậy nên, đa phần người dân Huế đều theo Phật. Cái chất “Phật giáo” thấm nhuần vào tư tưởng và tính cách của mỗi người con xứ Huế từ xa xưa cho đến tận bây giờ.
Chữ “OHM” – một triết lý trong Phật giáo được viết bằng tiếng Phạn trên bức tường cạnh bàn ăn.
Căn bếp nhỏ gọn với đầy đủ tiện nghi.
Phòng ngủ được thiết kế đơn giản, với các ô cửa sổ lấy sáng nhìn ra mặt hồ tĩnh lặng và mảng cây xanh bên ngoài, một nơi lý tưởng để nghỉ ngơi, thư giãn hay thậm chí là để ngồi thiền.
Các ô cửa sổ vừa lấy sáng, vừa tạo mảng đặc rỗng cho hình khối ngôi nhà.
Qua cách bài trí ngôi nhà, tôi cảm nhận được chủ nhân là người không thích khoa trương, cầu kỳ và phức tạp; họ thích sự ngăn nắp và độc lập nhưng cũng rất tự do và phóng khoáng.
“Ít là nhiều” (Less is more) là xu hướng mà ngày càng được nhiều người hướng đến. Hạn chế những chi tiết thừa, những đồ đạc rườm rà mà thay vào đó là tạo lập được một không gian kiến trúc khúc chiết, cô đọng mà thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng tự nhiên. Ngôi nhà được xây cất không với mục đích ngăn cách con người với thiên nhiên, mà thực chất là muốn làm bạn với cây cỏ và muôn loài.
Bài: Quỳnh Hương
Ảnh: Phước & Quỳnh Hương
(Theo Congluan.vn)
Ảnh: Phước & Quỳnh Hương
(Theo Congluan.vn)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.