Các “ông sao” trao đổi hành tinh giống như các cầu thủ bóng rổ chuyền banh cho nhau, theo nghiên cứu mới của các chuyên gia thuộc Trung tâm Harvard-Smithsonian.
Nhóm chuyên gia vật lý học thiên thể tại Trung tâm Harvard-Smithsonian (Mỹ) vừa đưa ra một giả thuyết thú vị, theo đó hàng tỉ ngôi sao trong Dải ngân hà có thói quen bắt lấy những hành tinh trôi nổi trong không gian liên ngân hà.
Các hành tinh lang thang này, vốn bị đá khỏi hệ thống của mình khi mới hình thành, đôi khi lại tìm được một ngôi nhà mới với ngôi sao trung tâm mới.
Một số hành tinh định cư cách xa nơi chúng sinh ra – (Ảnh: Trung tâm Harvard-Smithsonian)
Điều này giải thích tại sao lại có sự tồn tại của một số hành tinh ở cách xa hệ thống ban đầu của chúng, cũng như lại có hệ thống hành tinh đôi, theo báo cáo đăng trên chuyên san The Astrophysical Journal.
Để đưa đến kết luận trên, các chuyên gia dựng mô hình máy tính về những chùm sao “trẻ” chứa nhiều hành tinh trôi nổi tự do.
Các chuyên gia nhận thấy, nếu số hành tinh lang thang bằng với số ngôi sao thì có nghĩa là khoảng 2%-6% số sao này đã tóm lấy những hành tinh du mục.
Ngôi sao càng lớn thì khả năng bắt được hành tinh du mục càng cao.
Theo Thanh Niên