Ngửi bệnh bằng mũi điện tử

Hình ảnh tê giác một sừng bị bắn đạn ở chân

Không lâu nữa, các bác sĩ có thể khám cho bệnh nhân bằng một cái “mũi” điện tử nhằm phát hiện ra những mùi lạ mà cơ thể họ giải phóng khi mắc một chứng bệnh hoặc ở trong tình trạng sức khoẻ nào đó.

Chiếc mũi cơ khí, được phát triển và thử nghiệm trong dự án SPOT-NOSED, có thể sẽ thay đổi mạnh cách thức các bác sĩ chẩn đoán bệnh hiện nay.

Công nghệ dùng cho thiết bị được lấy ý tưởng từ cơ quan khứu giác của người, song hiệu quả thì có thể so sánh với mũi của các loài vật nhạy cảm hơn nhiều, chẳng hạn chuột hay chó.

Óscar Ruiz, giáo sư Khoa điện tử tại Đại học Barcelona, Tây Ban Nha, thành viên dự án cho biết, thiết bị bao gồm một lớp protein – được thiết kế để bắt chước các thụ quan khứu giác tự nhiên – đặt trên một vi điện cực bằng vàng gắn trên một con chip máy tính dài 2 milimét.

Một đầu của chip được nhúng vào một khoang chất lỏng, chứa các điện cực bổ sung khác. Tất cả các điện cực đều được nối với một thiết bị đo sự thay đổi điện hoá.

Nhóm nghiên cứu bơm hoá chất gây mùi vào trong khoang chất lỏng để ghi nhận phổ tín hiệu sinh ra khi các thụ quan khứu giác tiếp xúc với chúng. Chẳng hạn, các tế bào ung thư da tạo ra phổ điện hoá đặc trưng. Các nội tạng kém hoạt động, nhiễm trùng hoặc các tế bào mô khác cũng tạo ra phổ của riêng mình. Khi chúng khoẻ mạnh thì phổ tạo ra sẽ khác.

Nhóm nghiên cứu cho biết một thiết bị thương mại hoá có thể sẽ ra mắt trong 5-10 năm tới. Nhóm còn phải giải quyết một vài vấn đề quan trọng nữa.

T. An

 

Theo Discovery, VnExpress