Các ca sĩ và nghệ sĩ ghita thực sự nhạy cảm hơn chúng ta. Một nghiên cứu mới cho thấy những người được huấn luyện âm nhạc có khả năng đọc cảm xúc trong âm thanh tốt hơn.
Trên thực tế, bắt đầu tập luyện âm nhạc càng sớm và số năm kinh nghiệm âm nhạc càng nhiều, thì hệ thần kinh của họ đọc cảm xúc trong âm thanh càng tốt.
Các nhà khoa học thần kinh đã yêu cầu 30 người xem một bộ phim tự nhiên có phụ đề trong khi nghe một clip tiếng trẻ con khóc 250 mili giây. Sử dụng điện cực, các nhà nghiên cứu đã đo độ nhạy cảm của những người đó với âm thanh, đặc biệt là phần phức tạp truyền tải nội dụng cảm động.
Các nhà khoa học phát hiện rằng những người chơi nhạc có thể trực tiếp cảm nhận khía cạnh xúc cảm của âm thanh, trong khi đó những người không chơi nhạc không thể cảm nhận được âm thanh một cách dễ dàng như vậy.
Dana Strait, nghiên cứu sinh tại Đại học Northwestern đồng thời là tác giả chính của bài báo công bố phát hiện của nghiên cứu trên tạp chí European Journal of Neuroscience, cho biết: “Não của họ phản ứng nhanh hơn và chính xác hơn so với não của những người không chơi nhạc. Chúng tôi nhận định rằng điều này chuyển thành sự cảm nhận xúc cảm”.
Bắt đầu tập luyện âm nhạc càng sớm và số năm kinh nghiệm âm nhạc càng nhiều, thì hệ thần kinh của người chơi nhạc đọc cảm xúc trong âm thanh càng tốt. (Ảnh: Dreamstime) |
Khía cạnh âm thanh mà những người chơi nhạc xử lý một cách hiệu quả cũng chính là những yếu tố mà những người bị chứng rối loạn ngôn ngữ, ví dụ như khó đọc và tự kỷ, không hiểu được.
Nhà khoa học thần kinh Nina Kraus cho biết: “Không phải không có cơ sở khi nói rằng trải nghiệm âm nhạc rất có lợi cho trẻ em bị chứng rối loạn xử lý ngôn ngữ”.
Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên phát hiện thấy mối liên hệ giữa âm nhạc và cảm xúc. Nghiên cứu trước đây cho thấy những người quen thuộc với một bản nhạc có xu hướng cảm thấy rùng mình hoặc nổi da gà khi bản nhạc được biểu diễn, điều này cho thấy họ cảm thụ bản nhạc sâu sắc hơn. Một nghiên cứu khác phát hiện rằng thậm chí những đứa trẻ sơ sinh cũng có thể phân biệt những bài hát buồn và vui, cho thấy khả năng nhận biết cảm xúc trong âm nhạc đến một cách hoàn toàn tự nhiên với con người.
Strait cho biết: “Nhận biết cảm xúc trong âm thanh một cách nhanh chóng và chính xác là một kỹ năng trong mọi môi trường, như trong rừng với các loài vật săn mồi, trong lớp hoặc, hoặc trên giường ngủ”.