Chiều 2/10, xã Tân Hóa mênh mông nước, con đường dẫn vào xã bị ngập sâu đến 5m. Nghe tiếng ca nô chạy vào xã, hàng chục người từ các lán trên vách núi hay trên nóc nhà giơ tay vẫy liên hồi xin được cứu trợ.Sau 3 ngày sống trên vách núi, trên mái nhà, lương thực, nước uống của họ đã cạn kiệt. Những gói mì tôm cuối cùng cũng đã được bà con chia nhau ăn ngấu nghiến.
Nghe tiếng cano, người dân từ các lán trại nhao ra vẫy xin cứu trợ. (Ảnh: Nguyễn Đông)
Vẫn chưa hết bàng hoàng sau buổi chạy lũ, ông Cao Tiến Như, trưởng thôn 4 kể lại: “Đêm 30/9, trời mưa to, điện cúp. Cả làng đang ngủ thì có tiếng tri hô lũ về. Mọi người í ới gọi nhau dùng ghe vận chuyển người, đồ đạc lên vách núi lánh nạn. Ngay trong đêm, bà con phải dựng lán để lấy chỗ trú mưa, ngủ tạm. May mà không có thiệt hại về người”.
Nhiều người chủ quan đưa đồ đạc lên cao rồi lên trên gác tránh lũ, nửa đêm nước dâng cao, phải dỡ ngói tháo chạy lên núi. Dựng được lán, mọi người lại quây quần nhìn về phía làng đang bị nước lũ nhấn chìm. Nơi đó vẫn có những hộ không chạy kịp, đành sống tạm trên mái nhà chờ nước rút.
Ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa, cho biết đây là năm thứ ba người dân Tân Hóa phải chạy lũ lên những dãy núi bao quanh xã. Rút kinh nghiệm từ những lần trước, năm nay bà con chủ động dùng bạt dựng lán làm chỗ trú tạm. “Cũng nhờ có những lán này mà hơn 300 người dân thoát chết khỏi lũ dữ bất ngờ kéo về”, ông nói.
Trong lán được dựng tạm bợ khoảng 4m2 chỉ đủ kê chiếc giường, chị Đinh Thị Cúc cùng 6 thành viên đã sống 3 đêm, 3 ngày ở đây. Đôi mắt đỏ hoe cùng khuôn mặt phờ phạc vì mất ngủ, chị Cúc kể: “Bất đắc dĩ mới phải lên núi bởi mỗi lần nấu nướng vô cùng vất vả, phải hun từng tý lửa. Đêm xuống, muỗi và vắt nhiều lắm, ngủ chẳng được yên giấc”.
Hơn 47 ha lúa vụ mùa của người dân trong xã đã chìm trong nước lũ nên tài sản có giá trị nhất với họ là những đàn trâu, bò, lợn… Tranh thủ những lúc trời ngớt mưa, người dân lại leo lên vách núi cao hơn cắt cỏ về làm thức ăn cho trâu bò, mong sau khi nước rút, chúng sẽ lại giúp nông dân bớt được phần nào cái nghèo.
Nhiều người vẫn cố thủ trên nóc nhà để bảo vệ tài sản, chờ nước rút. (Ảnh: Nguyễn Đông)
Lũ chồng lũ, cộng với môi trường ô nhiễm nên hàng trăm người dân nơi đây đang đối mặt với bệnh tật. Sáng 2/10, chiếc ca nô của xã phải chở nhiều bệnh nhân đi khám. Trong đó có cháu Đinh Trung Nhân, vừa tròn 12 tháng tuổi bị viêm phổi nặng, một phụ nữ bị đau bụng dữ dội.
“Biết sống trên vách núi nguy hiểm và không an toàn nhưng chúng tôi vẫn chưa biết khi nào mới yên tâm về nhà vì nghe đài báo cơn bão sắp tới có thể ảnh hưởng đến Quảng Bình, sợ lũ lại lên”, ông Cao Tiến Như, trưởng thôn 4 nói.
Còn ông Cao Xuân Lục, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa lại đau đáu nỗi lo thiếu đói: “Mưa lũ triền miền, lúa mùa chưa kịp thu hoạch đã bị nước lũ làm cho hư hại hết cả rồi. Không biết khi nước rút, bà con biết lấy chi mà ăn nữa”.
Theo Vnexpress