Không hoành tráng, chẳng xinh đẹp, máy lạnh cũ bung cả nắp, bảng te tua, học sinh ồn áo như chợ vỡ… nhưng những lớp học này đã nuôi dưỡng nên những thiên tài trong tương lai.
Được sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Bộ Kinh tế Israel, chúng tôi đã đến Israel thực hiện chuyến tham quan và khảo sát các mô hình trường học phổ thông ở thành phố Jerusalem, để tận mắt xem trí thông minh Do Thái được bồi dưỡng thế nào.
Sáng thứ Hai, chúng tôi được tới thăm trường Makor Chaim. Tiến sỹ Haim Rubinstein, giám đốc GD Tiểu học cuả Jerusalem trong buổi gặp mặt nói:
“Vấn đề của mọi nền giáo dục hiện nay trên thế giới là chúng ta không biết được tương lai sẽ như thế nào. Thế giới thay đổi rất nhanh và không thể đoán trước 15 năm nữa sẽ ra sao.
Tôi học đại học năm 1971, trong trường đại học Jerusalem, chúng tôi khi đó được học trên hệ thống máy tính hiện đại nhất, nhưng tôi không thể tưởng tượng được giờ nó chỉ là chiếc điện thoại nhỏ bé trong túi quần mình.
Vậy thì điều quan trọng nhất của việc học là để giải quyết vấn đề, làm việc đội nhóm (vì tất cả mọi công trình nghiên cứu đều do một team (đội) làm chứ không phải là do một cá nhân). Học sinh phải xác định được vấn đề, biết đặt câu hỏi đúng, biết tự học và tự khám phá”.
Học sinh lớp lớn hơn đóng vai trò là giáo viên dạy lớp nhỏ. (Ảnh: Thu Hà).
Nghe thì quên, đọc thì nhớ, và làm thì hiểu
Chúng tôi tiếp tục tới thăm phòng học giờ thực hành khoa học, họ cho rằng “nghe thì quên, đọc thì nhớ, và làm thì hiểu”.
Lớp học ồn ào như cái chợ vỡ. Trong phòng, học sinh túm tụm từng nhóm, hoặc là đang thử chạy cỗ máy này, hoặc đang tháo lắp các máy khác, có nhóm còn nằm bẹp xuông đất để quan sát.
Giáo viên ở đây cho rằng, một lớp học quá trật tự là một lớp học không hiệu quả. Họ đã từng tới Việt Nam, và nhận xét: ở Việt Nam học sinh rất ngoan, rất dễ thương, giơ tay phát biểu, nhưng quá trật tự, và ngại ngần.
Ở đây lớp học rất ồn, học sinh chạy lộn xộn, nhưng rất hào hứng, và khi có khách tới thăm, các bạn ấy càng hào hứng hơn.
Những học sinh tại trường Tiểu học cuả Jerusalem (Israel) hào hứng trong giờ học. (Ảnh: Thu Hà).
Học sinh dạy cho học sinh
Ở giờ học này học sinh lớp lớn đóng vai giáo viên xuống dạy cho học sinh nhỏ hơn. Các giáo viên nhí dạy nhiệt tình, các em nhỏ háo hức lắng nghe, rồi làm thử, rồi chất vấn.
Giáo viên nhí đều là học sinh bình thường, chủ yếu là do xung phong, chứ không phải là chỉ chọn học sinh giỏi. Các bạn ấy cũng được thầy cô dạy nghiệp vụ cho 1 buổi từ cách quản lý lớp, tới các bước thu hút học sinh…
Tôi hỏi: “Học với anh chị thì thấy thế nào?” Các bé trả lời: “Rất thoải mái, rất vui. Học với giáo viên có thể sẽ bối rối, xấu hổ còn với anh chị thì bài học vui hơn, nên học tốt hơn”.
Các giáo viên nhí cũng được “trả công” từ việc đi dạy: hiểu bài hơn, thêm kiến thức mới khi nghe những câu hỏi của các bạn và có nhiều bạn hơn.
Từ bé đã được học phát minh sáng chế
Chia sẻ kiến thức, chia sẻ thông tin, chia sẻ ý tưởng là một đặc trưng văn hóa của tôn giáo Do Thái – văn hóa Jauruta. Học Kinh Thánh họ cũng học theo đôi chứ không học một mình.
Các bé được học phát minh sáng chế từ nhỏ. Chúng tôi vào lớp 6, xem 1 tiết lắp ráp mô hình để tìm hiểu về tác dụng của lưc đàn hồi. Mỗi bạn lắp ráp 1 cái mô hình gồm 2 bánh xe, một trục làm bằng bìa các tông và dây thun và 1 cái que xiên nhỏ.
Học sinh lớp 6 tham gia tiết học về sáng chế. (Ảnh: Thu Hà).
Có bé thì làm rất nhanh chỉ có 1 phút, có bé chậm hơn, loay hoay chưa ráp xong. Không hề gì, các bạn sẽ giúp đỡ nhau, chạy thoải mái từ bàn này qua bàn kia. Có nhiều bé chạy ra hành lang, kiếm chỗ rộng để cho mô hình của mình lăn được xa.
Khám phá xong thì làm bài tập. Mỗi học sinh được phát cho mấy tờ giấy. Phải lập bảng so sánh xem nếu quay 20 vòng dây thì xe sẽ chạy được bao nhiêu viên gạch, nếu quay 40 vòng thì chạy bao nhiêu… sau đó vẽ đồ thị toán học về nó. Học sinh nào cũng hiểu rất sâu, nói ro ro rành mạch nguyên lý tại sao nó lại hoạt động như thế.
Lớp học không hoành tráng, chẳng xinh đẹp. Máy lạnh cũ tới mức bung cả nắp, thùng rác thì để giữa phòng, bảng cũng te tua, nhưng mắt mũi bé nào cũng rực sáng và hào hứng không thể nín được.
Làm thế nào? Tại sao? Cô không biết. Em thử xem
Ở Israel, giáo viên không phải là người truyền thụ kiến thức, mà giáo viên phải làm cho học sinh tò mò hơn, và tự tin đi tìm hiểu. Giáo viên chỉ hỏi: Làm thế nào? Tại sao? Cô không biết. Em thử xem.
Bộ Giáo dục Israel có có các tiêu chuẩn khung, rồi các công ty tư nhân sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa. Giáo viên sẽ tự lựa chọn sách giáo khoa, và tự quyết định sẽ dạy nó như thế nào, làm bằng mô hình gì… để đạt được mục đích mỗi học sinh là một nhà khoa học nhí.
Học sinh lớp 6 là đã phải tự tìm kiếm đề tài nghiên cứu riêng của mình, viết đề án, rồi bắt tay vào làm, thất bại thì làm lại, và rồi trình bày trước cả lớp.