Người cổ đại có tuổi thọ rất thấp, nhưng điều này không đúng với dân Hy Lạp. Tuổi thọ trung bình của họ đã đạt tới đỉnh cao mà sau đó chỉ có được ở thế kỷ 20. Trong những người sống lâu có nhà toán học Pithagor, kịch tác gia Sophocle, triết gia Platon, danh y Hyppocrate…
Theo logic tự nhiên của sự phát triển khoa học thì tuổi thọ của con người không ngừng, được kéo dài từ thời đại đồ đá – khi mà một người 30 tuổi đã có thể được coi là ông già vô dụng đối với bộ lạc – cho tới ngày nay, khi mà tuổi thọ trung bình ở các nước phát triển vượt quá 80.
Luận điểm về sự gia tăng thường xuyên của tuổi thọ có thể là đúng đối với châu Âu bắt đầu từ thời Trung cổ, nhưng Hy Lạp không nằm trong công thức đó. Thật ra tuổi thọ được mong muốn của đứa trẻ sơ sinh chỉ vẻn vẹn 30 năm, nhưng điều đó chủ yếu là do số tử vong cao của trẻ em. Nếu như đứa bé yên ổn được đến 5 tuổi thì sau đó có nhiều khả năng sống lâu hơn nhiều. Các chuyên gia đã đi đến kết luận rằng ở Hy Lạp thời cổ đại, tuổi thọ trung bình đã đạt tới những đỉnh cao mà sau đó chỉ có thể có được trong thế kỷ 20.
Pithagor trong tưởng tượng của hậu thế. (Ảnh: Focusmag)
Các danh nhân Hy Lạp cổ hầu hết đều sống thọ, chẳng hạn Pithagor sống gần 80 tuổi. Sophocle, nhà viết kịch, thọ gần 90 tuổi. Hyppocrate, thày thuốc, thọ gần 83 tuổi. Trong các triết gia nổi tiếng nhiều người trường thọ như Gorgias 107 tuổi, Democrit triết 90 tuổi, Platon 80 tuổi, Diogenes 89, Cléanthe 99 tuổi…
Quan niệm của người Hy Lạp cổ đại về tuổi già của con người trên thực tế không khác với quan niệm hiện đại. Trong trường hợp có chiến tranh, tất cả các công dân dưới 60 tuổi đều được gọi nhập ngũ. Nguyên lão nghị viện ở Sparte hoặc phán quan ở Athènes chỉ có thể là người ngoài 60 tuổi. Khi triết gia Socrates bị kết án tử hình ở tuổi 70, người ta không coi ông là bô lão. Sophocle đã viết vở kịch cuối cùng ở tuổi 82.
Vậy bí quyết của “sự thần kỳ Hy Lạp” là ở chỗ nào? Điều này cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. Trong những thế kỷ tiếp theo, tuổi thọ đã giảm một cách đáng kể mặc dầu không xảy ra những biến đổi đột ngột về khí hậu hoặc ăn uống: Nếu các dân tộc ở vùng Địa Trung Hải thời xa xưa chủ yếu ăn cá, quả ô liu, quả vải và uống rượu vang nho thì ngày nay họ vẫn tiếp tục ăn uống như vậy.
Có lẽ vấn đề là ở chỗ người cổ Hy Lạp đã chú ý nhiều đến vệ sinh thân thể và tinh thần, việc tập thể dục và chế độ ăn kiêng. “Không ăn cái gì quá nhiều” là một khẩu hiệu phổ biến. Sau này, văn hóa của lối sống lành mạnh đó đã mất đi nhiều.
Ngoài ra, còn có thêm cách giải thích nữa: Các nhà khảo cổ học và nhân chủng học thường đánh giá sai tuổi tác những người cổ đại được khai quật do dựa vào hài cốt được tìm thấy. Chẳng hạn, vào những năm 50, người ta đã tìm thấy di hài của quốc vương bộ tộc Maja tên là Hanar Pacan từng sống vào thế kỷ thứ 7. Sau khi nghiên cứu hài cốt, các nhà nhân chủng học đã phán rằng người này gần 40 tuổi. Chỉ mãi 3 thập kỷ sau, khi các chữ tượng hình của bộ tộc Maja được giải mã, người ta mới đọc được những chữ viết trên tấm mộ chí. Thì ra, Hanar Pacan đã sống đến 80 tuổi.
Nhà khảo cổ học Anh quốc Mark Ponlare cho rằng, những phương pháp hiện đại để xác định độ tuổi căn cứ trên hài cốt đôi khi rút ngắn tuổi thọ đến hai, ba chục năm. Có thể chúng ta đánh giá không đúng tuổi thọ của những người cổ đại bởi vì những dữ liệu bằng văn tự về họ không tồn tại.