Hiện nay, luật pháp của nhiều nước trên thế giới cấm người khiếm thị và nhược thị lái xe ô tô. Vậy mà vẫn có những người đang kiên trì tìm cách chế tạo xe hơi cho người khiếm thị. Họ là ai?
Đó chính là các sinh viên trẻ Đại học công nghệ Virgina của Mỹ (VirginaTech College of Engineering). Theo họ, làm việc này là nhằm thực hiện ước mơ từ lâu của họ để bảo vệ quyền lợi của người khiếm thị.
Năm 2004, các sinh viên trường này là những người duy nhất tham gia cuộc thi chế tạo ô tô chuyên dụng cho người khiếm thị do Liên đoàn người khiếm thị Mỹ tổ chức.
5 năm sau, giữa tháng 7 vừa qua tại Trại hè người khiếm thị Mỹ, họ đã cho trình làng một tuyệt tác công nghệ – xe ô tô, hay đúng hơn là xe đẩy tự hành cho người khiếm thị. Xe được trang bị các thiết bị lazer để xác định cự ly phía trước, hệ thống tín hiệu xung và âm thanh để thông báo cho lái xe các tình huống phải xử lý như đi vòng để tránh chướng ngại vật, quay đầu xe, dừng xe v.v.
Mark Piccobono, một người khiếm thị trên ghế lái xe thử nghiệm và GregJannaman, trưởng nhóm các nhà thiết kế trẻ của Virgina Tech. (Ảnh: Membrana) |
Tuy nhiên, một vấn đề kỹ thuật cần làm rõ là làm sao để khi tham gia giao thông xe có thể nhận biết được các tín hiệu từ các hệ thống đèn tín hiệu tự động, nhất là những chỉ thị của cảnh sát giao thông.
Nhưng dù sao chiếc xe này vẫn là “hy vọng của cả đời”, như cách nói của ông Chủ tịch Liên đoàn khiếm thị Mỹ, một trong những người khiếm thị được mời đến tham gia cuộc thử nghiệm tình nguyện. Nhiều người khiếm thị sau khi tham gia thử xe đã tỏ ra khá hài lòng với mẫu xe thử nghiệm này.
Kỹ sư Greg Jannaman, trưởng nhóm các sinh viên trẻ của Virgina Tech đã thiết kế và chế tạo xe lăn tự hành cho người khiếm thị, tỏ ra rất lạc quan nói: “Sự ủng hộ của người khiếm thị sẽ là động lực cho chúng tôi thực hiện dự án. Còn phải trải qua quãng đường dài mới có thể đến được cái ngày mà người khiếm thị đầu tiên được nhận bằng lái xe. Nhưng trong thế giới kỳ diệu của công nghệ hiện đại thì đó chỉ là vấn đề thời gian”.
Theo Mạc Thanh – Vietnamnet (theo Membrana)