Nghe cứ như chuyện khoa học viễn tưởng, nhưng đó là một robot có thật do các chuyên gia tại Đại học Reading (Anh) chế tạo.
Theo các nhà khoa học của Đại học Reading, người máy Gordon di chuyển bằng bánh xe. Nó được kết nối với khoảng 300 nghìn tế bào não chuột thông qua 60 điện cực. Những tế bào này được bảo quản trong môi trường vô trùng ở nhiệt độ cơ thể chuột.
Người máy Gordon. Ảnh: dailymail.co.uk. |
Một bộ thu và phát sóng siêu âm giúp robot cảm nhận môi trường xung quanh. Mỗi khi Gordon gặp chướng ngại vật, một tín hiệu sẽ được gửi tới các tế bào não bằng sóng Bluetooth. Sau khi xử lý tín hiệu, “não” sẽ phát ra mệnh lệnh rẽ phải, rẽ trái, tiến hoặc lùi để giúp robot tránh vật cản. Robot tiếp nhận những mệnh lệnh này thông qua một đĩa gồm 60 điện cực.
Nhóm nghiên cứu cho biết, hệ thống điều khiển đơn giản nói trên sẽ dần dần được thay thế bởi một hệ thống phức tạp hơn để Gordon có thể tự học cách định hướng. Họ hy vọng trong thời gian tới robot có thể nhận ra những nơi mà nó từng khám phá. Nếu điều này trở thành hiện thực, các nhà khoa học sẽ hiểu rõ hơn về những tác nhân gây nên các bệnh ở não người, chẳng hạn như Alzheimer, đột quỵ và liệt rung.
Các chuyên gia của Đại học Reading khẳng định Gordon không chịu bất kỳ tác động nào từ con người hay máy tính. Tất cả hoạt động của nó được điều khiển bởi bộ não sinh học.
Theo Việt Linh – VnExpress (Daily Mail)