Đối với không ít người nó chỉ là rác thải nhưng người Nhật lại coi nó là mỏ vàng. Nó ở đây là những chiếc điện thoại di động, ti-vi, máy tính, máy nghe nhạc số…, nói chung là các thiết bị điện tử hư cũ mà chúng ta đã hoặc đang định vứt bỏ.
Nếu bạn cũng có ý quăng cái di động không thể sử dụng được nữa của mình vào sọt rác, hãy suy nghĩ lại. Có lẽ trước tiên bạn nên “đào” lấy vàng, bạc, đồng và nhiều kim loại khác trong ruột “dế” bởi nhiều loại đang có giá cao ngất ngưởng. Kiểu tái chế này được gọi là “đào mỏ đô thị” (urban mining), nói một cách dễ hiểu là việc rã các thiết bị điện tử cũ để thu hồi kim loại quí hiếm như iridium, vàng… Đây là ngành công nghiệp đang “hốt bạc” ở Nhật, nhất là trong bối cảnh giá nhiều loại kim loại liên tục phá kỷ lục. Điển hình là vàng đang giao dịch với giá trên 890 USD/ounce (28,35 gam) sau khi leo lên đỉnh 1.030 USD hồi tháng 3 vừa qua. Còn đồng, nhôm và bạc hiện cũng có giá cao kỷ lục.
Theo tính toán của Công ty Yokohama Metal ở Nhật, một tấn quặng vàng trung bình chỉ cho khoảng 5 gam vàng trong khi một tấn ĐTDĐ bỏ đi có thể thu được ít nhất 150 gam vàng. Đó là chưa kể trong núi rác này còn chứa khoảng 100 kg đồng và 3 kg bạc cùng nhiều kim loại khác nữa. Những vật liệu này sẽ được tái sử dụng trong các linh kiện điện tử mới trong khi vàng và các kim loại quí thì được nấu và bán lại cho các nhà chế tác nữ trang, giới đầu tư hay nhà sản xuất ĐTDĐ, vốn chuộng dùng vàng trong mạch điện tử bởi nó dẫn điện tốt hơn cả đồng.
Tái chế rác điện tử vừa giải quyết bài toán về khan hiếm kim loại cho ngành sản xuất vừa góp phần bảo vệ môi sinh. |
Ngành “Urban mining” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Nhật – nước sản xuất hàng điện tử hàng đầu thế giới không được thiên nhiên ưu đãi tài nguyên nhưng lại có hàng chục triệu cái a-lô và vô số hàng điện tử cũ được vứt bỏ mỗi năm. Đi đầu trong lĩnh vực này là Eco-Sytem tọa lạc gần Thủ đô Tokyo. Mỗi tháng công ty xuất xưởng trung bình 200–300 kg vàng thỏi nguyên chất 99,99%, thu về 5,9-8,8 triệu USD. Con số này tương đương sản lượng của một mỏ vàng cỡ nhỏ. Ngoài ĐTDĐ và thiết bị điện tử, Eco-System còn “khai thác” kim loại từ chip nhớ, dây cáp và hộp mực in có chứa thành phần bạc và palladium, một dạng kim loại quí như bạch kim thường có trong quặng vàng, đồng và nikel.
Hiện tại, mặc dù người dân ngày càng quan tâm tới môi trường và vấn đề tái chế rác thải nhưng ngành “urban mining” vẫn không thu gom đủ ĐTDĐ cũ để cung cấp cho các nhà máy tái chế. Theo một quan chức Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật, 128 triệu dân nước này bình quân thay “dế” mới sau khoảng 32 tháng sử dụng. Hằng năm có rất nhiều điện thoại bị bỏ đi nhưng chỉ 10-12% được tái chế bởi người dùng có xu hướng cất giữ làm kỷ niệm, một phần vì lo ngại mất dữ liệu cá nhân trong điện thoại. Theo thống kê, tài khóa 2006 chỉ có 558 tấn ĐTDĐ cũ ở Nhật được thu gom để tái chế, giảm 1/3 so với 3 năm trước. Do không đủ nguyên liệu, nhiều công ty tái chế Nhật đang phải nhập của Singapore và Indonesia bo mạch second-hand, vốn cũng có chứa các kim loại hiếm như indium – thành phần quan trọng trong quá trình sản xuất ti-vi màn hình phẳng và màn hình máy tính, antimony và bismuth, vật liệu không thể thiếu trong nhiều sản phẩm công nghệ cao.
Theo ĐÔNG NGUYÊN (MSNBC, Cần thơ Online)