Người trẻ Việt và tư duy “há miệng chờ sung rụng”!

0
162
Người trẻ Việt và tư duy “há miệng chờ sung rụng”!

 

Người trẻ Việt có nhiều tư duy và tính cách hiện đại, bắt nhịp được với lối sống văn minh của lớp thanh niên các nước khác trên thế giới. Mọi sự so sánh vốn khập khiễng, nhưng để so sánh tư duy của người trẻ Việt với người trẻ cùng độ tuổi từ 15-25 ở nước ngoài thì chúng ta thua xa họ.

Ngay ở Việt Nam, bên cạnh những bạn trẻ tạo được cá tính, mục đích sống, tự tin, có trí tuệ, độc lập, bản lĩnh…thì vẫn còn không ít người trẻ có những lối tư duy “bần nông”, trì trệ cả về tư duy lẫn hành động. Điển hình ở họ là 5 tư duy dưới đây!

Tư duy “há miệng chờ sung rụng”

Người trẻ Việt và tư duy “há miệng chờ sung rụng”!

Đây là tư duy khá phổ biến ở người trẻ Việt. Bắt nguồn từ sự dung dưỡng, bao bọc quá mức từ môi trường gia đình. Sống trong sự chiều chuộng, bảo vệ, chăm sóc quá kĩ càng của cha mẹ, nhiều người trẻ Việt mặc định chuyện bố mẹ chăm sóc, nuôi nấng, giáo dục là chuyện đương nhiên. Sau này đi học thì coi trường học như một nơi bắt buộc phải học, tâm lý học cho bố mẹ luôn ăn sâu vào tâm lý của người trẻ, khiến việc học bỗng nhiên không phải để lấy kiến thức nền tảng phục vụ cho tương lai có thể độc lập mà chỉ như một biện pháp học để tránh nhàn rỗi.

Tư duy há miệng chờ sung rụng còn nằm ở chỗ, sau khi học xong cấp ba hoặc đang học cấp ba, hoàn toàn phụ thuộc vào định hướng của bố mẹ để chọn trường, chọn ngành nghề (những người trẻ có mục đích rõ ràng, định hướng cụ thể thường nằm trong top tư duy trưởng thành và có cá tính, có trí tuệ).

Học xong thì lại chờ bố mẹ xin việc cho hoặc học lên cao để chống…thất nghiệp. Sự học đối với phần lớn người trẻ không phải là vì tri thức, mà thực sự là vì gia đình và vì ai cũng như thế nên mình cũng phải thế, dù đôi khi muốn chống lại định kiến đám đông, muốn theo đuổi đam mê riêng nhưng lại quá yếu ớt để có thể tự lập nên đành sống theo tư duy ỷ lại, ăn bám vào gia đình.

Tư duy “ăn xổi”

Người trẻ Việt và tư duy “há miệng chờ sung rụng”!

Cái gì cũng thích nhanh chóng, ra kết quả tức thì. Ra trường cầm tấm bằng toàn lý thuyết, kĩ năng mềm không có nhưng lại thích “một phát ăn ngay” lương phải 500 đô mới làm, 12 năm phổ thông + 4 năm đại học, quá nhiều thời gian nhàn rỗi nhưng không biết tích lũy kiến thức, không biết mình thích gì, muốn gì và có thể làm gì, bỏ phí thời gian học để đến khi ra trường, cứ thấy có khóa đào tạo “ăn xổi” về kĩ năng sống, kĩ năng mềm thì đổ xô đi học, mục đích để làm gì? Bổ sung khẩn cấp các kĩ năng còn thiếu để xin việc, trong khi những kĩ năng ấy, những kinh nghiệm mà lẽ ra 16 năm học bạn hoàn toàn có thể có được nó một cách thuần thục, thì bây giờ bạn lại bổ sung nó một cách hấp tấp, nông nổi, đúng kiểu “ăn xổi ở thì”. Và kết quả là gì? Bạn “fall” trong mọi cuộc phỏng vấn.

Lý do “Tôi có thể trả cho bạn 500 đô một tháng, nhưng bạn hãy cho tôi biết bạn có thể làm được gì để chứng minh mình không phải là một cái máy photocopy?”. Bạn cứng họng và thất bại một cách thảm hại vì tư duy “ăn xổi” của mình.

Tư duy “thích miễn phí”

Người trẻ Việt và tư duy “há miệng chờ sung rụng”!

Lúc nào cũng muốn miễn phí và không phải trả giá bất cứ điều gì là tâm lý thường thấy ở người Việt trẻ. Nếu có một cuộc nói chuyện, chia sẻ của một diễn giả nổi tiếng, bạn sẽ đi với một tấm vé miễn phí, tất nhiên rồi!

Nếu nó mất phí, bạn sẽ nghĩ “quên đi, chẳng đáng để mình phải bỏ tiền ra, nghe trên mạng là được rồi!”. Đó chính là lý do khi bạn bước ra cuộc sống, rất nhiều bài học đắt giá mà khi ấy bạn muốn bỏ tiền mua cũng không được, vì sai lầm bạn phải trả quá cao so với số tiền mà bạn định trả để không vấp sai lầm!

Tư duy “đòi hỏi”

Luôn muốn quốc hội phải sửa lại luật, kêu gào xã hội bất công, đả kích quan chức, đổ lỗi cho thể chế…là những thái độ rất tiêu cực thường thấy trên các diễn đàn mạng.

Quyền được lên tiếng của người trẻ là không sai, nhưng thử hỏi bạn có thể làm gì để thay đổi nó nếu bạn cho là hệ thống pháp luật chưa đủ mạnh, xã hội chưa đủ dân chủ, công bằng, văn mình?   Quyền định đoạt luôn thuộc về kẻ mạnh, nếu bạn chưa phải là kẻ mạnh, hãy cố gắng để nắm quyền, đừng chu chéo như một kẻ thiểu năng, mất trí và khoác cho mình một cái áo quá rộng với trí tuệ, vị thế mà bạn có.

Trước khi đòi hỏi người khác phải thay đổi, bạn là người đầu tiên phải thay đổi. Thay đổi được đến đâu, cuộc đời bạn sẽ trả lời bạn đến đấy!

Tư duy “đổ lỗi”

Người trẻ Việt và tư duy “há miệng chờ sung rụng”!

Sau chuỗi tư duy nhàm chán và ấu trĩ phía trên thì loại tư duy cuối cùng cũng thảm hại không kém, đó là “đổ lỗi”. Luôn luôn là ‘không phải tại tôi, tôi tài giỏi nhưng chưa gặp thời, tại vì cha mẹ tôi không phải quan lớn, không phải đại gia nên số tôi khổ, chứ không thì, tại vì nhà trường quản lý học sinh kém, giảng dạy không tốt chứ không thì…, tại vì nhà tuyển dụng dở hơi không nhận ra tài năng của tôi, chứ không thì…

Chung quy lại là bạn giỏi, chỉ tại bạn chưa gặp thời thôi. Và chính vì những tư duy thiển cận ấy mà cả cuộc đời người trẻ sẽ luôn hoang mang, bất đắc chí, yếu ớt, hèn nhát và thất bại trên mọi mặt trận.

Nêu ra những điểm yếu của người trẻ Việt không phải để công kích, mà chỉ là chúng ta nhìn vào đó xem thấy bản thân mình ở đâu. Nếu bạn không thấy mình trong đó thì xin chúc mừng, còn nếu có…thì bạn đã hiểu tại sao bạn mãi mãi là kẻ đi sau bước chân của người khác rồi đấy.

Phượng Ớt

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.