Người Việt sẽ có thẻ ADN

Lần đầu tiên tại Việt Nam, những tấm “căn cước ADN” đã được lập ra. Nhìn vào tấm thẻ của hai người, ta có thể nhận ra họ có quan hệ huyết thống hay không.

Đã có 500 tấm thẻ như vậy được Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (trụ sở tại phòng 108, nhà E3, khu Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) lập ra theo yêu cầu của những người muốn xác định huyết thống. Giáo sư Lê Đình Lương, Tổng thư ký hội Di truyền học, người sáng lập trung tâm, cho biết trường hợp gần đây nhất là một chuyên gia người Âu lấy vợ Việt, có 3 người con trai. Nghi ngờ vì thấy con không giống mình, ông đã lấy mẫu tế bào của 4 cha con mang đến trung tâm nhờ xét nghiệm. Kết quả cho thấy, cả 3 cậu bé này là con của hai người đàn ông khác nhau, và đều không phải con vị chuyên gia trên.

Tấm căn cước ADN cũng giúp giải tỏa mối nghi ngờ cho nhiều người đàn ông để họ yên tâm rằng đứa trẻ mình đang nuôi dưỡng chính là giọt máu của mình, như trường hợp vị tổng giám đốc ở TP HCM. Sau 10 năm ông chữa vô sinh, đến lúc hết hy vọng thì vợ mang thai. Chưa kịp vui mừng với sự ra đời của con, ông đã liên tiếp nhận được các cú điện thoại nói đứa bé là “tác phẩm” của kẻ khác. Để thoát khỏi sự dày vò, ông đã ra Hà Nội. Cầm hai tấm thẻ căn cước ADN của mình và em bé, ông sung sướng thở phào vì biết rằng quả thật mình đã được làm cha.

(Ảnh: Corbis.com)

Giáo sư Lương cho biết, căn cước ADN là một công nghệ đã được áp dụng nhiều trên thế giới. Đó là một tấm thẻ có in hình ảnh giải mã ADN cá nhân, trông giống như đồ thị. 8 tỷ người trên thế giới không ai có mã ADN giống ai, vì vậy thẻ này như tấm chứng minh thư sinh học giúp nhận diện cá nhân. Nhìn vào thẻ của hai người bất kỳ, ta biết họ có quan hệ huyết thống hay không (chẳng hạn, nếu là cha con, trong 32 đỉnh của đoạn “đồ thị” trên sẽ phải có ít nhất 16 đỉnh giống nhau). Trong khi đó, với kết quả xét nghiệm ADN thông thường, bạn chỉ biết quan hệ của chủ nhân hai mẫu cụ thể được gửi đến.

Để lập một tấm căn cước ADN, bạn chỉ cần mang chứng minh thư đến Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền để đăng ký. Các chuyên gia sẽ lấy mẫu máu ở đầu ngón tay (chỉ mất chừng 1/3 giọt) và mẫu tế bào trong miệng (dùng tăm bông quệt vào phần trong má). Kết quả có sớm nhất là sau 2 ngày. Giá để làm căn cước ADN là 3 triệu đồng. Theo giáo sư Lương, trong tương lai, chi phí sẽ thấp hơn rất nhiều bởi giá thành của công nghệ xác định trình tự ADN có xu hướng giảm rất nhanh. Giá thành hiện nay đã giảm 180 lần so với thời gian đầu, và trong vài năm nữa có thể giảm hàng nghìn lần.

Sắp tới, Trung tâm cũng sẽ triển khai lập thẻ ADN cá nhân để chẩn đoán 10 bệnh di truyền dễ xảy ra nhất. Do các đặc trưng di truyền, nên người này dễ mắc một số bệnh nào đó hơn người kia, và ít nguy cơ hơn với một số bệnh khác. Việc “rà soát” bộ gene giúp mỗi cá nhân biết được nguy cơ bệnh tật lớn nhất của mình là gì. Kèm theo thẻ chẩn đoán 10 bệnh dễ gặp, các chuyên gia cũng cung cấp lời khuyên về các biện pháp để kiềm chế nguy cơ.

Dự kiến chi phí lập một thẻ ADN chẩn đoán 10 bệnh di truyền là 1.000 USD.

 

Theo Hải Hà (VnExpress)