Sợ hãi thế nào là đúng?
Tôi nghĩ người Việt đang sống trong một đất nước đầy những nỗi sợ.
Ở nhà chúng ta sợ thực phẩm bẩn, sợ ung thư. Ra đường chúng ta sợ tai nạn giao thông, sợ xe điên mất lái. Tới cơ quan chúng ta sợ mất việc rồi thất nghiệp. Khi ốm chúng ta sợ phải tới bệnh viện và chưa kịp già chúng ta đã sợ bảo hiểm vỡ quỹ.
“Có nỗi sợ nào khiến mày không dám thực hiện điều mày mong muốn không?” – Tôi vừa nhấc điện thoại lên và thực hiện một cuộc khảo sát quanh nhóm bạn bè mình. Các câu trả lời tôi nhận được xoay quanh hai nhóm chính: một là sợ mình không đủ năng lực để làm công việc mơ ước, và hai là sợ mình không đủ hấp dẫn với người mình thầm yêu. Cả hai nỗi sợ này khả năng cao sẽ trở thành hiện thực với bạn bè của tôi. Vì sợ hãi nên không ai hành động, kết quả là chẳng ai được làm công việc mơ ước, bất kể trên thực tế họ có đủ năng lực hay không. Cũng không ai được ở bên người mình thầm yêu, vì nỗi sợ bị từ chối khiến họ không có can đảm bày tỏ.
Nỗi sợ còn có tác hại khủng khiếp hơn, không chỉ tới một cuộc tình, một đám cưới hay một nghề nghiệp. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ở Endinburgh và London (Anh), sự căng thẳng, lo lắng làm tăng 29% tỉ lệ tử vong do bệnh tim và đột quỵ (số liệu điều tra trên 68.000 người trung niên chết từ năm 1994-2004). Cảm xúc này cũng khiến khả năng chết do các nguyên nhân bên ngoài như tai nạn giao thông, tự tử… tăng gần 30%. Ngoài ra, những người hay lo lắng, sợ hãi cũng chết sớm hơn vì họ không chăm sóc bản thân tốt. Họ có xu hướng hút thuốc, uống rượu nhiều và ít tập thể thao.
Trên thực tế, nỗi sợ không phải là kẻ thù của con người, nếu không nói là ngược lại. Nếu tổ tiên chúng ta không cảm thấy sợ hãi khi thú dữ xuất hiện, có lẽ nhân loại đã không có cơ hội được tiến hóa. Tuy vậy, có những nỗi sợ đến từ rủi ro thực sự cần tránh, và cũng có những nỗi sợ đến từ định kiến.
Bài viết này bàn về những nỗi sợ đến từ định kiến. Bởi vì chính định kiến sẽ ngăn cản mỗi người nhìn thấy bức tranh tổng thể và ngăn họ hành động đúng đắn.
Định kiến có trong tất cả mọi người, và nó có thể khiến chúng ta trở nên mù quáng, nhầm lẫn. Các nhà khoa học từng được giải Noel đã chứng minh rằng họ thậm chí không bằng một… con đười ươi dưới sự ảnh hưởng của định kiến (trong thí nghiệm của Hans Rosling, một nhà khoa học Thuỵ Điển ở Viện nghiên cứu Karolinska).
Mới đây, Bộ Giáo dục đưa ra con số 40% sinh viên ra trường sau ba tháng không tìm được việc làm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang vô cùng thiếu nhân lực. Một công ty lớn như Intel Products Vietnam vừa bỏ ra 20 triệu USD để gửi sinh viên Việt Nam ra nước ngoài đào tạo. Mặc dù vậy, theo chia sẻ của bà Tổng giám đốc Sherry Borger, đây chỉ là giải pháp tình thế.
Bị che mờ bởi nỗi sợ và định kiến thất nghiệp, các cử nhân tương lai có thể đã bỏ lỡ cơ hội rèn luyện bản thân trở thành một món hàng có giá trị cạnh tranh trên một thị trường khan kiếm hàng hóa chất lượng tốt. Thay vào đó, họ chỉ lên giảng đường thụ động nghe giảng, ghi chép và ngày đêm lo lắng không kiếm được việc khi ra trường.
Nhưng dù sao, định kiến được hình thành từ những gì con người tiếp xúc hàng ngày, và đáng buồn là người Việt đang bị bủa vây bởi các thông tin tiêu cực. Người ta nói về tai nạn giao thông, thực phẩm không an toàn, bệnh tật… trên Facebook, trên báo mạng, ngoài quán nước, trong công sở và bên cả những mâm cơm gia đình. Ngày xưa, hoàng tử Hamlet của Shakespeare có một câu nói kinh điển: Tồn tại hay không tồn tại – đó là câu hỏi. Thời nay, xin được đổi thành: Đáng sợ hay không đáng sợ? Bị nhấn chìm trong nỗi sợ, hay bỏ thêm vài phút để kiểm tra lại thông tin, vượt qua một nỗi sợ vô lý? Đó cũng là một câu hỏi.
Khoảng một tháng trước, bạn bè trên Facebook của tôi lan truyền bài viết về Trần Lập bị ung thư và lo lắng cho sức khỏe của mình. Có người nói rằng từ nay sẽ không dám ăn chuối, không dám ăn vặt ngoài đường, không dám ăn bất kỳ loại rau cỏ nào nghe-nói-có-phun-thuốc. Còn quá ít thứ người đó có thể ăn.
Trên thực tế, danh sách 50 quốc gia trên thế giới có tỉ lệ người dân bị ung thư cao nhất thế giới không hề có Việt Nam – theo thống kê của Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới (World Cancer Research Fund International). Tỉ lệ ung thư ở Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với nhiều nước giàu có, môi trường sống trong lành và thực phẩm an toàn như Đan Mạch, Pháp, Úc, Mỹ, Na Uy, Nhật Bản…
Nếu bạn vẫn còn lo lắng về bệnh ung thư, hãy thử dành ra hai phút tìm kiếm. Đây là một sự thật khá thú vị có thể bạn sẽ tìm thấy: Ở Đan Mạch, cứ 100.000 người dân thì có 338,1 người bị ung thư. Con số này ở Việt Nam là 140.
Nguồn: Theo Khampha
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.