Cây Giáng sinh hay cây thông Noel hiện nay bắt nguồn từ phong tục đốt cháy một khúc gỗ vào ngày Đông chí của người Celt cổ đại.
Bắt nguồn từ một số tôn giáo, tín ngưỡng tồn tại trước khi đạo Thiên Chúa ra đời, lễ Giáng sinh có mối liên hệ mật thiết với hoạt động tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đông chí vào 21 hoặc 22/12, theo Ancient Origin. Đây là thời điểm ban đêm dài nhất trong năm, nên thời khắc “ánh sáng đang đến” được ca tụng và tôn kính. Sau điểm Đông chí, ánh sáng ban ngày sẽ nhiều hơn, như một lời hứa hẹn cho mùa xuân đang tới.
Cây thông Noel. (Ảnh: Wikipedia).
Ngày lễ Giáng sinh truyền thống của phương Tây có nguồn gốc từ nền văn hóa của người Celt và Saxon cổ đại. Họ tổ chức lễ hội “Yula” hay “bánh xe của năm” vào ngày Đông chí. Lễ hội này liên quan đến việc đốt một khúc gỗ mới đốn và đốt cháy nó trong 12 giờ trước điểm Đông chí. Việc làm này tượng trưng cho sự may mắn và năm mới thịnh vượng.
Sau đó, người ta thay việc đốt cháy khúc gỗ bằng cách sử dụng cây xanh gắn thêm những chiếc đèn có dạng cây nến nhỏ, và do đó cây Giáng sinh ra đời. Thông thường cây Giáng sinh là một cây thường xanh, ví dụ cây thông, được trang trí thêm bằng cây nhựa ruồi (holly) và cây tầm gửi, hai loài cây tượng trưng cho sự sinh sôi.
Người Celt tin rằng cây tầm gửi là một loại thuốc kích thích tình dục. Đây là lý do tại sao mọi người trên khắp thế giới hiện nay hôn nhau dưới cây tầm gửi treo trên cây Giáng sinh.
Việc sử dụng cây Giáng sinh diễn ra phổ biến ở Đức vào thế kỷ 16, khi những người theo đạo Cơ Đốc bắt đầu dùng chúng để trang trí trong nhà và trang hoàng thêm cho cây bằng nến. Sau đó, truyền thống này lan rộng sang các khu vực khác của châu Âu.
Năm 1841, cây Giáng sinh bắt đầu xuất hiện tại lâu đài Windsor, Anh, được bao phủ bởi những ngọn nến, hoa quả và bánh gừng. Từ thập niên 1850, vật phẩm trang trí cây Giáng sinh còn có thêm các món đồ chơi nhỏ, trang sức, hình nàng tiên, búp bê, còi và chuông.