Các loài sinh vật có kích thước lớn và nhỏ nhất đều có nguy cơ bị tuyệt chủng cao nhất và việc này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với hệ sinh thái của Trái Đất.
Đó là kết quả nghiên cứu được các nhà khoa học Mỹ công bố trên tạp chí của Viện Khoa học quốc gia Mỹ số ra ngày 18/9.
Theo nghiên cứu, đối với những loài động vật lớn như cá mập voi, cá tầm Đại Tây Dương, đà điểu Somalia, rồng Komodo, kỳ giông khổng lồ Trung Quốc…, con người chính là mối đe dọa hàng đầu đối với sự sống còn của chúng. Các loài động vật có xương sống lớn thường bị con người săn bắt, đánh bẫy, săn trộm hoặc bị giết để phục vụ thú vui.
Cá voi hoa tiêu mắc cạn trên bãi biển Punta Bufeo ở Baja California. (Ảnh: EPA/TTXVN).
Tác giả của công trình nghiên cứu, Giáo sư sinh thái học thuộc Đại học bang Oregon, William Ripple cho biết nhiều loài động vật lớn hơn đã bị con người tàn sát và tiêu thụ, trong khi các hoạt động thu hoạch mùa màng của con người đe dọa sự sống của khoảng 90% những loài động vật có trọng lượng nhỏ bé dưới 1kg.
Mối đe dọa đối với các loài động vật nhỏ nhất có trọng lượng chưa tới 77 gram cũng vẫn cao, chủ yếu do môi trường sống của chúng bị triệt tiêu. Nghiên cứu cho thấy một số loài động vật nhỏ bé dễ bị tổn thương nhất gồm ếch da xanh Clarke, tắc kè xám, dơi mũi hếch và cá lội ngược dòng thác trong động.
Việc các loài động vật lớn, nhỏ nhất biến mất có thể gây tác động tới toàn bộ hệ sinh thái. Nếu tình trạng này không thay đổi thì những hoạt động của con người sẽ “xóa sổ” các loài sinh vật lớn nhỏ theo cách “sắp xếp lại một cách cơ bản cơ cấu sự sống trên Trái Đất”. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc hiểu biết về những loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng sẽ hỗ trợ cho các hoạt động bảo tồn các loài sinh vật.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên phân tích đối với hơn 27.000 loài động vật có xương sống theo đánh giá của Danh sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế.
Theo khampha/TTXVN