Các nhà nghiên cứu vừa thông báo phát hiện những đầm than bùn tại khu vực Trung Phi có diện tích xấp xỉ xứ England của Vương quốc Anh với trữ lượng CO2 tương đương lượng khí phát thải của toàn thế giới trong 3 năm.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature (Tự nhiên) ngày 11/1, các nhà khoa học cho biết đây là lần đầu tiên thế giới nhận thức được về sự tồn tại của những đầm lầy có diện tích lên đến 145.000km2 được bao phủ bằng lớp than bùn có độ dày trung bình 2m và trữ lượng lên đến 30 tỷ tấn tại Lưu vực Congo nằm giữa Cộng hòa Congo và Cộng hòa Dân chủ Congo.
Giáo sư Simon Lewis thuộc Đại học Tổng hợp Leeds (Anh), đồng tác giả của nghiên cứu trên, cảnh báo việc rút cạn nước khỏi những đầm than bùn thuộc khu vực này, để lấy đất canh tác hoặc do lượng mưa giảm vì biến đổi khí hậu, có thể giải phóng hàng tỷ tấn CO2 gây hiệu ứng nhà kính vào bầu khí quyển.
Cho đến giữa thế kỷ 20, các đầm lầy than bùn vẫn được khai thác như một nguồn nhiên liệu đốt khá phổ biến trên thế giới.
Phải đến gần đây, các nhà khoa học mới phát hiện ra rằng những đầm than bùn cũng là nơi lưu trữ các loại khí gây hiệu ứng nhà kính với khối lượng rất lớn được cho là góp phần thúc đẩy tình trạng nóng lên toàn cầu.
Các đầm lầy than bùn vẫn được khai thác như một nguồn nhiên liệu đốt khá phổ biến trên thế giới.
Các đầm than bùn chỉ bao phủ khoảng 3% diện tích bề mặt Trái Đất nhưng lại lưu trữ khoảng một phần ba tổng trữ lượng carbon trong đất.
Việc tiêu thụ các loại nhiên liệu hóa thạch, như dầu lửa, khí đốt và than đá, được xác định là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.
Tuy nhiên, khoảng 10% lượng khí gây hiệu ứng hàng năm xả vào bầu khí quyển lại xuất phát từ các hoạt động sử dụng đất đai, chủ yếu là phá rừng và làm nông nghiệp.
Do nằm lọt giữa những rừng nhiệt đới rậm rạp và lại không ở gần những con sông vốn là mạch giao thông chủ yếu tại khu vực Trung Phi, diện tích đầm than bùn khổng lồ mang tên Cuvette Centrale của Lưu vực Congo chỉ được phát hiện gần đây bằng công nghệ ảnh vệ tinh.
Hiện tại khu vực này còn khá nguyên vẹn và chưa có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của con người. Một phần nhỏ của đầm than bùn – khoảng 4.500km2 – hiện nằm trong Khu Bảo tồn Cộng đồng Lac Tele của Cộng hòa Congo dành cho loài khỉ đột với mật độ cá thể thuộc loại cao nhất trong khu vực và trên thế giới.
Đây cũng là nơi trú ẩn của một loài thú lớn bị đe dọa khác của châu Phi là voi rừng cùng rất nhiều loài chim nước đặc hữu.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lo ngại về lâu dài xu hướng mở rộng diện tích trồng cọ dầu tại châu Phi có thể khiến những diện tích lớn của đầm than bùn nói trên bị rút cạn nước để biến thành các đồn điền.
Đây là những gì đã xảy ra trong quá khứ với những khu đầm lầy của Đông Nam Á, đặc biệt là tại Indonesia.
Tại nước này, những diện tích lớn đầm lầy phủ than bùn đã bị rút cạn nước và phát quang rừng để lấy đất trồng cọ dầu.
Quá trình này không chỉ giải phóng CO2 và N2O – những loại khí gây hiệu ứng nhà kính – vào bầu khí quyển, mà còn gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng đe dọa sức khỏe vì tro bụi.
Theo TTXVN/Vietnam+