Hành trình dài ngày đến sao Hỏa có thể vượt quá giới hạn chịu đựng của gan ở các phi hành gia, ngay cả khi họ không uống rượu trên tàu.
Theo Space, những con chuột ở chưa đến hai tuần trong vũ trụ vào năm 2011 trên STS-135, nhiệm vụ cuối cùng thuộc chương trình tàu vũ trụ con thoi của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) có dấu hiệu mắc bệnh gan giai đoạn đầu khi trở về Trái Đất.
Chuột trên vũ trụ lưu trữ nhiều chất béo trong gan hơn nhóm chuột thí nghiệm ở mặt đất, đồng thời biểu hiện những thay đổi ở gene chịu trách nhiệm phân tách chất béo. Ngoài ra, những con chuột phi hành gia có lượng retinol thấp hơn. Đây là một dạng vitamin A ở động vật, rất cần thiết để duy trì tầm nhìn tốt, phát triển xương và một số quá trình quan trọng trong cơ thể.
Tất cả dấu hiệu trên đều là bằng chứng chỉ ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), theo các nhà nghiên cứu của NASA. Một số con chuột thậm chí cho thấy dấu hiệu sớm của chứng xơ hóa, tức sự phát triển mô sẹo trong gan. Bệnh xơ gan có khả năng phát triển khi mô sẹo lan rộng và ảnh hưởng đến chức năng gan.
Tàu Atlantis chở theo những con chuột có dấu hiệu mắc bệnh gan sau khi trải qua 13,5 ngày trong vũ trụ. (Ảnh: NASA).
“Thông thường, cần thời gian kéo dài từ vài tháng đến vài năm để chứng xơ hóa diễn ra ở chuột, ngay cả khi chúng có chế độ ăn không lành mạnh”, Karen Jonscher, tác giả chính của nghiên cứu, nhà vật lý học kiêm phó giáo sư gây mê học ở Đại học Colorado, Mỹ, cho biết. “Nếu một con chuột thể hiện dấu hiệu ban đầu của chứng xơ hóa mà không trải qua thay đổi nào trong chế độ ăn chỉ sau 13,5 ngày, điều gì sẽ xảy ra với con người?”
Hiện nay, các nhà nghiên cứu chưa thể trả lời câu hỏi trên. Phát hiện mới công bố hôm 20/4 trên tạp chí PLOS ONE chỉ là kết quả bước đầu và đòi hỏi tiến hành thêm nghiên cứu tổng quát.
“Vấn đề này là một câu hỏi mở. Chúng tôi cần tìm hiểu những con chuột tham gia chuyến bay dài ngày hơn để xem cơ chế bù trừ có góp phần bảo vệ chúng trước tổn thương nghiêm trọng hay không”, Jonscher nói.
Đáp án từ nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng đối với NASA, bởi cơ quan này đang dự kiến đưa phi hành gia lên sao Hỏa vào cuối những năm 2030. Thời gian tới hành tinh đỏ sẽ kéo dài khoảng 8 – 9 tháng nếu sử dụng công nghệ lực đẩy hiện nay. Do đó, NASA rất quan tâm đến việc hiểu rõ và giảm thiểu ảnh hưởng của chuyến bay dài ngày lên tâm sinh lý con người.
Một số ảnh hưởng khi phi hành gia tiếp xúc với môi trường không trọng lượng đã được các nhà khoa học phát hiện bao gồm teo cơ, loãng xương và giảm sút thị lực.
Theo VnExpress