Ngày 14/6/2014, cháu Nguyễn Vũ Hà My, 10 tuổi, và mẹ là chị Vũ Thị Lan (Hậu Lộc, Thanh Hóa) cùng một đoàn khách du lịch đến thăm khu du lịch sinh thái Đồi Thông Quang Huy tại Thạch Thất, Hà Nội. Trưa cùng ngày, cháu Hà My bị một con khỉ trong khu du lịch cắn đứt một đốt ngón tay. Nguyên nhân là do một du khách khác đã trêu chọc con khỉ, khiến nó tức giận và “trút giận” vào Hà My khi cháu đang đứng gần đó.
Bé Hà My thời điểm trước khi bị khỉ tấn công
Nhớ lại khoảnh khắc ấy, chị Lan vẫn không khỏi bàng hoàng: “Khoảng 12h trưa ngày 14/06/2014 lúc mọi người đang ăn trưa, cháu Hà My ăn xong trước và ra ngoài chơi. Một lúc sau tôi nghe thấy mọi người hô hoán là có người bị khỉ cắn, tôi chạy ra thấy cháu, tay đầy máu, vừa chạy vừa khóc cùng với 1 người thanh niên. Nhìn thấy tôi, cháu kêu: ‘Mẹ ơi! Con khỉ cắn đứt ngón tay con rồi, con nhìn thấy nó đang nhai, mẹ lấy lại cho con đi’”.
Bé Hà My sau đó đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện và tiêm phòng đầy đủ. Nhưng đốt ngón tay thứ 3 của ngón tay trỏ thì đã bị mất vĩnh viễn. Bố mẹ và người thân của bé rất xót xa vì ngón tay đó thuộc bàn tay phải và rất quan trọng trong việc cầm bút viết cũng như làm các công việc hàng ngày.
Tay của bé sau khi được chữa trị tại bệnh viện
Theo gia đình cháu Hà My phản ánh, khi xảy ra sự việc, gia đình đã liên lạc với anh Phạm Văn Hào, nhân viên quản lý tại khu du lịch sinh thái về việc bồi thường các thiệt hại về thể chất và tinh thần, song không nhận được câu trả lời thích đáng.
Phóng viên Em đẹp cũng đã tìm gặp và xác minh thì nhận được câu trả lời của anh Hào khẳng định rằng bé Hà My khi ra viện ở tuyến huyện trong tình trạng ổn định và quá trình điều trị sau đó thì họ không biết.
Sự việc tới nay chưa được ngã ngũ. Và ngày 28/8 tới đây, hai bên sẽ tới Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch Hà Nội để đối chất và cùng nhau xử lý vụ việc. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là dù sự việc có được giải quyết theo hướng nào thì mất mát và di chứng mà cháu Hà My phải gánh chịu khi bị mất một đốt ngón tay là vĩnh viễn và không thể bù đắp. Cộng thêm việc động vật được nuôi tại khu du lịch có thể vẫn chưa được tiêm phòng dại nên nguy cơ lây bệnh cho bé là hoàn toàn có thể xảy ra.
An toàn cho trẻ khi tiếp xúc với động vật
Có một thực trạng chung tại Việt Nam là cả người nuôi và du khách đều có thái độ rất chủ quan trước những nguy cơ mà động vật hoang dã chưa được thuần dưỡng có thể gây ra, từ việc không có phương án bảo đảm an toàn cho đến việc tiêm phòng dại đầy đủ cho các vật nuôi này.
Trao đổi với phóng viên, chị Đỗ Quỳnh Anh, một du học sinh đang học tập và có những trải nghiệm rất gần gũi với thiên nhiên tại Úc cho biết: “Ở Úc, tất cả các loài động vật có nguy cơ gây tổn thương cho con người, ví dụ như khỉ, đều được cách ly với du khách qua một lớp kính dày. Ngoài ra ở những nơi này thường có biển cảnh báo và chỉ dẫn rất rõ ràng. So với ở Việt Nam, con gái tôi cũng thích đi vườn thú nhưng tôi luôn phải để mắt nhắc nhở, vì chuồng khỉ thường chỉ có song sắt, nhiều bé còn thò tay vào cho khỉ ăn. Có trường hợp du khách đang đi dạo trong khu du lịch thì khỉ từ trên cây nhảy xuống và cắn, rất nguy hiểm”.
Việc cách ly động vật qua lớp kính dày như thế này ở Việt Nam chưa được thực hiện ở nhiều nơi, nhất là ở các khu du lịch sinh thái tư nhân
(Ảnh minh họa)
Trở lại trường hợp của bé Hà My và qua thực tế cho thấy những tai nạn như khỉ giằng đứt hoa tai, cúc áo của các em bé, khỉ cắn đứt gân bé gái khi bé đang cho khỉ ăn bim bim trong vườn thú, hay khỉ cắn du khách phải nhập viện tại một số khu du lịch sinh thái vẫn thường xảy ra. Điều này xảy ra, một phần lỗi thuộc về công tác đảm bảo an toàn cho du khách trước các sinh vật nuôi còn khá lỏng lẻo và trách nhiệm của chủ vật nuôi khi có tai nạn xảy ra chưa được thực hiện một cách có tình, có lý. Tuy nhiên một phần lỗi khác thuộc về những bậc phụ huynh và du khách khi chưa nhận thức đầy đủ về những nguy cơ có thể xảy đến với con em mình.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho con em mình, các bậc phụ huynh cần thận trọng khi đưa con tới vườn thú, khu du lịch sinh thái, nơi có nuôi các loài động vật hoang dã như khỉ, cá sấu hay thậm chí là gấu, hổ. Phụ huynh không nên để các bé tiếp xúc quá gần với các loài vật này, không trêu chọc hay cho chúng ăn, và phải thực hiện nghiêm túc những chỉ dẫn (nếu có), tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Quan trọng hơn, chính là việc giáo dục ý thức của chính phụ huynh và con em trong việc tiếp xúc với động vật. Các bậc phụ huynh cần nhận thức rõ các nguy cơ có thể có và cảnh báo tới con em mình về các nguy cơ này. Đối với trẻ nhỏ chưa đủ nhận thức, người lớn đi kèm cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ, bao gồm cả việc giữ khoảng cách an toàn với các động vật có trong vườn thú.
Ngọc Anh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.