Nguy cơ tuyệt chủng 4 loài cá quý ở sông Hồng

0
113
Nguy cơ tuyệt chủng 4 loài cá quý ở sông Hồng

Bốn loài cá: lăng chấm, cá chiên, cá bỗng và cá anh vũ trên hệ thống sông Hồng đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Sản lượng khai thác 4 loài cá này giảm xuống bằng 10-15% sản lượng những năm 70, 80; thậm chí lượng cá bỗng chỉ xấp xỉ bằng 1%.

Nguy cơ tuyệt chủng 4 loài cá quý ở sông Hồng

Cá anh vũ – một trong 4 loài cá quý hiếm trên sông Hồng. Ảnh: fishternet

Thông tin này vừa được công bố trong Bản điều tra nghiên cứu về hiện trạng và biện pháp bảo vệ, phục hồi một số loài cá hoang dã quí hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trên hệ thống sông Hồng của nhóm tác giả Phạm Báu, Nguyễn Ðức Tuân, Bùi Ðình Ðặng, Nguyễn Công Thắng (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I).

Theo đó, 4 loại cá quý hiếm có tên khoa học là: Cá lăng chấm (Hemibagrus gutattus Lacépède, 1803), cá chiên (Bagarius yarrelli Sykes, 1839), cá bỗng (Spinibarbus denticulatus Oshima, 1926) và cá anh vũ (Semilabeo obscous Lin., 1981). Tuy nhiên, sản lượng những loài cá được coi là đặc sản hàng đầu của hệ thống sông Hồng. này đang có nguy cơ tuyệt chủng, xếp ở mức nguy cấp bậc 2.

Báo cáo cho thấy, sự phân bố của 4 loài cá này trên hệ thống sông Hồng đang ngày càng thu hẹp, nhìn chung có xu hướng lùi dần về phía thượng lưu các sông, suối, nơi có địa hình hiểm trở, phía hạ lưu không gặp hoặc rất ít gặp. Bãi đẻ của 4 loài này hầu như không còn, cá đẻ phân tán, rải rác trên khu vực thượng nguồn các sông, suối.

Các tác giả nhận định, nguồn lợi của 4 loài cá quý hiếm này đã suy giảm. Nếu chúng ta không thực hiện những biện pháp bảo vệ kịp thời, đồng bộ, mạnh mẽ thì nguy cơ tuyệt chủng của chúng sẽ thành hiện thực.

Do vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất Bộ Thủy sản, các cơ quan chức năng cần tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Pháp lệnh Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, như cấm ngư dân tự động đánh bắt và tiêu thụ cá quý hiếm; cấm sử dụng các phương tiện huỷ diệt như xung điện, thuốc nổ, chất độc; hướng dẫn cách thức sử dụng các loại lưới mau và lưỡi câu nhỏ để tránh sát hại cá con; quản lý các hoạt động khai thác cát, đào đãi vàng ở lòng sông… vì những hoạt động này có ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của các loài cá; theo dõi, kiểm soát việc xả chất thải của các nhà máy công nghiệp.

Đồng thời, báo cáo cũng đề xuất tổ chức thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên trên sông Hồng. Xây dựng các trạm, trại tại các khu vực trọng điểm. Tiến hành nghiên cứu các mặt sinh học, nuôi dưỡng. Đồng thời, cần có sự phối hợp giữa hai ngành thuỷ sản, thuỷ lợi trong việc xây dựng các đập thuỷ điện.

Về lâu dài, tiếp tục điều tra bổ sung một số đặc điểm sinh học, kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thịt các loài cá quý hiếm này.

Hiện các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 đã nuôi thử nghiệm cá thịt 3 loài cá lăng chấm, cá chiên và cá bỗng trong lồng, ao thu được kết quả khả quan. Cá lăng chấm có triển vọng tốt khi nuôi trong ao có bổ sung nước không thường xuyên, nuôi trong lồng thì kết quả còn hạn chế. Cá chiên nuôi tốt trong lồng, không thích hợp ở ao nước tĩnh, thay nước định kỳ. Cá bỗng thích hợp nuôi trong ao, lồng ở điều kiện miền núi phía Bắc.

Hà Yên

 

Theo VietNamNet