Nguyên nhân bình nước nóng bị rò điện và cách phòng tránh

Nguyên nhân bình nước nóng bị rò điện và cách phòng tránh

Để không còn những cái chết thương tâm vì điện giật khi sử dụng bình nóng lạnh, người dân cần trang bị cho mình những kiến thức về an toàn khi sử dụng bình nóng lạnh trong gia đình và cách xử lý khi có những tình huống tương tự xảy ra.

1. Những quan niệm sai lầm trong sử dụng bình nóng lạnh

Theo kỹ sư Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến rò điện ở bình nóng lạnh, và nhiều khi sự thiếu hiểu biết của người dân về sử dụng bình nóng lạnh đã gây ra những “họa” lớn cho chính mình.

Trong quá trình sử dụng, không ít người quan niệm sai lầm rằng bình nóng lạnh đã có rơle ngắt điện nên yên tâm để cắm điện suốt 24/24h, kể cả trong lúc đang tắm. Thực tế, rơle này chỉ có nhiệm vụ điều khiển nhiệt độ nước của bình. Khi sử dụng, nhiệt độ nước thấp thì rơle tự động cấp điện, nhiệt độ nước cao rơle tự động cắt điện, chứ không có chức năng bảo vệ chống điện rò ra nước.

Nguyên nhân bình nước nóng bị rò điện và cách phòng tránh
Nên nhớ rơle tự ngắt chỉ có chức năng điều chỉnh nhiệt độ chứ không có khả năng chống rò rỉ điện

Chính việc cắm điện liên tục khiến cho dây may so, dây dẫn… có thể bị hỏng do hoạt động quá tải gây ra rò điện. Thông thường, hiện tượng rò điện của bình nóng lạnh sẽ xảy ra khi có sự thông mạch từ dây máy so với môi trường bên ngoài. Khi lớp cách điện của mayso bị ăn mòn, bong tróc hoặc bị hỏng sẽ dẫn đến hiện tượng rò điện.

Ngoài ra, nhiều người tiêu dùng “hồn nhiên” tắm nóng, tắm lạnh mà không để ý đến sự “già nua” của bình nóng lạnh. Thực tế, trong quá trình sử dụng, các thiết bị đều có thể bị ăn mòn, bong tróc gây ra rò điện ví dụ dây điện được lắp chung với ống dẫn nước dùng lâu ngày nên vỏ dây giòn, rỉ và gây rò điện.

Một trường hợp nữa là chiếc gioăng cao su cách điện nối giữa dây may so, vỏ bình và dây dẫn điện có thể bị nứt, bong tróc gây thấm nước dẫn điện ra bên ngoài gây nguy hiểm cho người sử dụng…

Bạn cũng nên biết nước càng bẩn thì khả năng dẫn điện càng lớn. Theo đó, bình nóng lạnh bị rò điện, điện tiếp xúc với nước bẩn sẽ làm cho nguy cơ bị điện giật cao hơn so với sử dụng nước sạch.

2. Nguyên tắc an toàn khi sử dụng bình nóng lạnh

  • Hãy tắt máy nóng lạnh trước khi tắm để tránh trường hợp rò rỉ điện trong quá trình đang tắm.
  • Không nên sử dụng những chiếc bình nóng lạnh già nua, cũ kỹ. Thường xuyên bảo trì bảo dưỡng bình nóng lạnh, kiểm tra độ an toàn của các dây dẫn.
  • Nguyên lý hoạt động của bình nóng lạnh là đốt nóng nên không gây tốn điện trong quá trình khởi động. Vì thế, không nên bật bình nóng lạnh 24/24h vừa gây tốn điện vừa tạo ra nguy cơ bị hỏng do hoạt động quá tải. Chỉ nên bật bình nóng lạnh trước khi tắm từ 5-10 phút.
  • Thường xuyên kiểm tra bằng cách dùng bút thử điện quẹt thử vào đường ống nước hoặc trực tiếp vào nước. Nếu phát hiện có điện thì ngắt cầu dao và kiểm tra lại toàn bộ bình nóng lạnh để khắc phục lỗi.
  • Lắp thêm các thiết bị chống giật (một số model bình nóng lạnh mới đã tích hợp thiết bị chống giật). Khi có biểu hiện bị giật, thiết bị này sẽ tự động ngắt điện.

Nguyên nhân bình nước nóng bị rò điện và cách phòng tránh
Cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng bình nóng lạnh cũng như các thiết bị điện khác trong gia đình

3. Cách xử trí khi bị điện giật trong nhà tắm

Các bác sỹ cho biết, khi thấy người bị giật điện trong nhà tắm, không nên lao vào cứu ngay mà phải ngắt cầu dao điện trước. Bởi nếu ngay lúc đó mà xông tới, chạm vào người nạn nhân thì có thể nguồn điện vẫn tiếp xúc với nạn nhân sẽ gây giật cho người đến cứu.

Sau khi đã ngắt cầu dao nhà tắm hoặc cầu dao tổng, hãy dùng những vật liệu không dẫn điện như gậy tre, gỗ, nhựa khô để kéo nạn nhân ra khỏi nơi tiếp xúc với nước đang nhiễm điện. Đưa được nạn nhân ra nơi khô ráo, kiểm tra xem nạn nhân còn thở, cử động hay không. Nếu không thấy các dấu hiệu này, nhanh chóng tiến hành hồi sức tim phổi cho nạn nhân.

Nguyên nhân bình nước nóng bị rò điện và cách phòng tránh
Hãy ngắt cầu dao điện trước khi đưa nạn nhân ra nơi khô ráo để tiến hành các bước sơ cứu

Cụ thể, đặt nạn nhân nằm ngửa, đầu nạn nhân thấp hơn so với chân rồi hà hơi thổi ngạt và bóp tim ngoài lồng ngực (dùng 2 bàn tay chồng lên nhau đặt vào vị trí 1/3 dưới xương ức rồi ấn mạnh lồng ngực kịp thời). Cứ thổi một lần thì bóp tim 4 lần, làm cho đến khi nạn nhân tỉnh, thở trở lại. Khi thấy nạn nhân thở trở lại thì lập tức đưa ngay đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời.

 

Theo Tâm sự gia đình