Những căn nhà di động đã không còn phải điều gì lạ lẫm nữa, chúng thường được người ta trầm trồ bởi kiểu dáng bắt mắt, sự nhỏ nhắn và khả năng nay đây mai đó. Thế nhưng, điều đáng nói đến về những ngôi nhà trên bánh xe này là khả năng thiết kế, sắp xếp khéo léo của người tạo ra nó sao cho tận dụng được tối đa không gian và đáp ứng được đầy đủ những chức năng cần có của một nhà ở. Và trên hết là phải đảm bảo cho ngôi nhà có thể di chuyển được.
Dưới đây là ba ngôi nhà di động mang ba kiểu dáng hoàn toàn khác nhau: ngôi nhà tí hon nhưng mang dáng vẻ của nhà ở thông thường và đầy đủ nội thất tiện nghi, “túp lều” nghỉ dưỡng; và một ngôi nhà thân thiện với môi trường mang tên “Nhà lá”.
Ngôi nhà tí hon của anh chàng cao lớn
Bắt đầu với ngôi nhà tí hon rộng chừng 12m2 của hai anh em cao kều Adam và Aaron Leu, và nó chỉ cao nhỉnh hơn chiều cao 2m của hai người một chút. Ngôi được xây dựng trên khung của một ngôi nhà có động cơ từ năm 1970. Ý tưởng thiết kế của Adam và Aaron dựa trên suy nghĩ rằng, ngôi nhà di động không có nghĩa là không đề cao tính gắn bó lâu dài, vì thế họ thiết kế sao cho giống với nhà ở thông thường nhất.
Họ cũng coi trọng yếu tố thẩm mỹ, thể hiện qua dáng vẻ xinh đẹp của ngôi nhà với một hiên nhỏ ở giữa, một gian có nhiều cửa kính và một gian được ốp gỗ ở mặt ngoài, sàn nhà phía trong cũng được lát gỗ thông theo phong cách nội thất rustic, và cầu kỳ hơn là trần nhà được làm thủ công từ gỗ phong.
Trong một không gian vỏn vẹn 12m2 là đầy đủ các tiện nghi như bất cứ căn hộ rộng rãi nào: nhà bếp, phòng khách, nhà tắm và gác xép, thậm chí còn có một khu vực lưu trữ trong nhà bếp và 1 tủ quần áo trong phòng tắm. Tất nhiên, căn nhà di động tí hon này được cung cấp đầy đủ hệ thống điện nước như mọi nhà ở thông thường.
Những “túp lều” lăn
Những ngôi nhà có hình dáng như túp lều này được gắn bánh xe này được tạo ra để dùng làm nhà khách. Tất cả đều được trang bị Wi-Fi, 1 tủ lạnh nhỏ, lò vi sóng, lò sưởi đủ để giữ ấm và đều có hướng nhìn ra các dãy núi.
Mỗi căn được xây dựng từ thép và có bánh xe lớn để dễ dàng vận chuyển trên vùng địa hình có núi và nhiều cỏ. Ngoại thất được làm từ vật liệu kết hợp giữa thép và gỗ để đảm bảo chịu được thời tiết, bền và không yêu cầu bảo trì. Nội thất bên trong được thiết kế khá đơn giản với đồ đạc chủ yếu bằng gỗ và có hình dạng vuông vức; tường ốp gỗ xen kẽ với kính ở phần sát mái mang đến một không gian mở, giảm sự nặng nề và nhàm chán của gỗ xung quanh.
“Túp lều” thực chất không quá nhỏ. Bởi ngoài phần diện tích bên trong là 18m2, mỗi căn đều có boong rộng tới 22m2 để tận hưởng không khí ngoài trời và ngắm quang cảnh núi xung quanh. Ngồi ngoài hiên trong khi căn nhà chạy lòng vòng trong khu vực này là một cách du ngoạn vô cùng lý thú.
Nhà lá
Ngôi nhà lá này được thiết kế sao cho vừa đủ cho một gia đình 4 thành viên, có diện tích 20m2 gồm cả 5m2 gác xép để ngủ. Ngôi nhà này đạt chứng nhận của FSC (Hội đồng Quản lý Rừng), được xây dựng từ gỗ và các vật liệu tái chế, đây là một ngôi nhà thân thiện với môi trường, có lẽ vì thế mà nó được mang tên “Nhà Lá”.
Nhà Lá có thiết kế theo phong cách hiện đại, khá sang trọng với gam màu trắng đan xen với gỗ ốp tường và trần màu vàng nâu cùng sàn gỗ màu tối. Nhà lá không chỉ thân thiện với môi trường, nó được thiết kế để chịu được cái lạnh và có thể chu du mọi nơi do được gắn bánh xe và được kéo bằng ô tô.
Nội thất bên trong ngôi nhà gồm có khu vực sinh sống với sofa, giường ngủ trên cao; khu bếp với đầy đủ chức năng; phòng ăn với không gian mở; phòng tắm với bồn tắm nhỏ gọn. Ngoài ra là 1 nhà vệ sinh tự hoại, hệ thống nước nóng sử dụng nhiên liệu khí prôban, hệ thống đèn và thiết bị lưu trữ nước.
Red (Tổng hợp)
Nguồn ảnh: Decoist
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.