Phơi nhiễm khói, bụi từ các phương tiện giao thông có thể làm tăng nguy cơ kháng insulin ở trẻ, một yếu tố gây nên bệnh tiểu đường ở tuổi trưởng thành.
Elisabeth Thiering và Joachim Heinrich, hai nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Môi trường Đức, theo dõi 397 trẻ 10 tuổi để tìm hiểu tác động của không khí bẩn từ hoạt động giao thông đối với nguy cơ mắc tiểu đường. Họ lấy mẫu máu của những đứa trẻ rồi đo nồng độ glucose và insulin trong cơ thể các em, BBC đưa tin.
Hai chuyên gia đo mức độ phơi nhiễm không khí bẩn gần đường bằng cách sử dụng các số liệu ô nhiễm không khí trong năm 2008, 2009 tại nơi mà nhóm trẻ chào đời.
Nhà càng gần đường, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường của con người càng cao. (Ảnh: Flickriver)
Kết quả cho thấy, ngôi nhà càng gần đường thì nguy kháng insulin của trẻ càng lớn. Cụ thể, nếu khoảng cách giữa nhà và đường giảm thêm 500m thì nguy cơ kháng insulin tăng thêm 7%. Ngoài ra, khối lượng cơ thể của trẻ càng lớn thì khả năng kháng insulin càng cao.
“Chúng tôi đã tính tới các yếu tố khác như khối lượng cơ thể của trẻ khi chúng chào đời, chỉ cố khối lượng cơ thể và mức độ tiếp xúc với khói thuốc lá tại nhà. Dữ liệu cho thấy mức độ kháng insulin của trẻ phơi nhiễm với không khí bẩn từ các phương tiện giao thông lớn hơn so với những trẻ khác”, nhóm nghiên cứu khẳng định.
Giới khoa học đã biết những chất gây ô nhiễm không khí, vốn là những tác nhân oxy hóa, có thể gây tác động xấu tới các lipid và protein trong máu.
Một số nghiên cứu trước đây đã chứng minh không khí bẩn gây nên một số bệnh mãn tính, như bệnh tim và xơ cứng thành động mạch. Tuy nhiên, tới nay các nghiên cứu về mối liên hệ giữa không khí bẩn và bệnh tiểu đường loại 2 ở người lớn vẫn mang đến những kết quả trái ngược nhau. Bên cạnh đó, rất ít người tìm hiểu tác động của không khí bẩn đối với hiện tượng kháng insulin ở trẻ em. Vì thế một số chuyên gia kêu gọi cộng đồng khoa học thận trọng với phát hiện của Thiering và Heinrich.
Theo VNE