Các nhà khoa học Hàn Quốc biến nhà vệ sinh thành nơi sản xuất năng lượng bền vững, có khả năng chuyển đổi chất thải của con người thành năng lượng sinh học.
Theo UPI, nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Công nghệ Quốc gia Ulsan, Hàn Quốc (UNIST) chế tạo nhà vệ sinh thử nghiệm không cần dùng nước. Đây là hệ thống phân hủy chất thải con người trở thành vật liệu giống như phân compost bị khử nước và không có mùi. Vật liệu này được chuyển đến một bể chứa, nơi các vi sinh vật biến chất thải thành khí carbon dioxide (CO2) và methane (CH4).
Hệ thống nhà vệ sinh không dùng nước chuyển đổi chất thải con người thành phân ủ, sau đó chế tạo thành nhiên liệu sinh học. (Ảnh: UNIST).
Các nhà khoa học thu hồi khí CO2 nhờ màng lọc dưới điều kiện áp suất cao. Khí CO2 sau đó được dùng để nuôi tảo xanh nhằm sản xuất nhiên liệu sinh học, và khí CH4 làm nhiên liệu sưởi ấm. Họ hy vọng tạo ra một hệ thống sản xuất nhiên liệu sinh học hiệu quả, có khả năng cạnh tranh về mặt kinh tế.
“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi không chỉ là hệ thống nhà vệ sinh mới, giúp tiết kiệm nước và giảm chi phí hoạt động cho các nhà máy xử lý nước thải. Chúng tôi thiết lập một hệ sinh thái để hỗ trợ đổi mới công nghệ, thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế, đem đến cho chất thải của con người giá trị tài chính theo đúng nghĩa đen”, Jaeweon Cho, giáo sư kỹ thuật môi trường tại UNIST, cho biết.
Nhóm nghiên cứu cũng mời các họa sĩ và kiến trúc sư góp sức giúp nhà vệ sinh thử nghiệm trở nên hấp dẫn hơn, bằng việc thiết kế “nhà vệ sinh tương lai” với mái che vườn mưa cùng nhiều yếu tố thẩm mỹ khác.
“Đây là dự án rất thú vị đối với chúng tôi. Chúng tôi hy vọng mô hình nhà vệ sinh mới là một bước đi quan trọng trong sự phát triển của những quốc gia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề vệ sinh môi trường và thiếu năng lượng bền vững”, Cho nói.
Theo VnExpress