Ảnh mang tính minh họa: Internet
Đôi giày Tây để quên lâu ngày trong hộc tủ đã trở nên bạc phếch. Ban đầu anh định bỏ đi nhưng nghĩ lại thấy tiếc vì chỉ mới đi vài lần. Chợt nhớ đến thằng Hưng, con chị Hai, mới đi làm, tiền bạc còn khó khăn, cho nó mang cũng tốt. Anh quyết định lau chùi đôi giày sạch sẽ rồi điện thoại cho Hưng, kêu chiều đi làm về ghé nhà chú lấy giày về mang. Nghe giọng nó mừng rỡ qua điện thoại mà anh thấy vui vui. Nhưng Hưng hẹn ngày hôm sau mới ghé được vì chiều phải tăng ca. Anh ừ, giày chú để sẵn, hôm nào rảnh đến lấy cũng được.
Chiều hôm sau, Hưng đến, anh tìm mãi chẳng thấy đôi giày đâu. Sau một hồi lục lạo hết mấy cái tủ kệ vẫn không thấy, anh hỏi vợ xem có cất đâu đó không. Tiếng chị oang oang từ dưới bếp làm anh sượng trân: “Đôi giày cũ hả? Hôm qua chị Ba (chị vợ) về quê, em gửi cho thằng Út rồi”. Anh nghe mà cục tức nghẹn ngay cổ, quê với cháu mình thì ít mà giận vợ không tôn trọng mình thì nhiều. Có cháu ở đó, anh không tiện đôi co, chỉ gằn một câu: “Mai mốt muốn lấy gì của anh cho ai thì nhớ hỏi anh một tiếng. Đôi giày đó hôm qua anh hứa cho thằng Hưng rồi!”.
Chỉ có thế mà chị chạy lên phòng khách, cố cãi: “Em thấy giày cũ rồi mới đem cho. Khi nào em lấy giày mới của anh thì hãy trách!”. Vợ chỉ được cái nói ngang là giỏi. Dù giận lắm nhưng anh cũng im lặng vì sợ cháu mình buồn, quay sang nói nhỏ: “Chú xin lỗi vụ đôi giày, thím con không biết nên đem cho rồi. Thôi mai chú cháu mình đi uống cà phê nha! Giày nhà chú nhiều lắm nhưng phải soạn ra nên hơi mất thời gian. Mai gặp rồi chú đưa đôi khác”. Hưng gật đầu cười thông cảm khiến anh cũng bớt áy náy.
Hưng về rồi anh chỉ còn biết thở dài ngao ngán. Đây không phải lần đầu vợ làm như thế. Nhớ lần người bà con của anh ở Úc về, dù nhà không thiếu thứ gì nhưng vợ vẫn ron ren hỏi xin… đủ thứ, từ bịch kẹo để phần mấy đứa con nhà chị Hai, mấy bộ quần áo cho con nhà chị Tư, cả mấy chai nước hoa cho cô Út… Dù biết quà đã có chủ nhưng chị vẫn cố nài xin mỗi thứ một ít để… gửi về quê cho mấy đứa cháu. Hoặc cứ mỗi lần chị về quê thăm mẹ là anh phát hoảng khi thấy chị lỉnh kỉnh túi này hộp nọ như chuẩn bị đi… cứu trợ. Trong nhà có thứ gì xài được là chị “quơ” hết về chia cho anh chị của mình.
Nói thật, anh sẽ không phiền lòng nếu nhà mẹ vợ mình nghèo. Đằng này, tuy ở quê nhưng nhà mẹ vợ anh rất khá giả, các anh chị vợ cũng thế. Mấy đứa cháu lên thành phố học đại học mà anh Ba của chị mua hẳn một căn nhà cấp bốn cho con ở thì đâu phải chuyện thường. Vàng thì đàn ông hay phụ nữ nhà chị ai cũng đeo đỏ tay, nhưng lúc nào chị cũng cố phân bua: “Đâu phải ai đeo vàng cũng giàu. Đeo vàng là để giữ thể diện thôi, chứ thật ra chẳng có của nả gì”. Thật không thể hiểu nổi khi mỗi lần về quê, vợ lại mua hàng đống mì gói, dầu ăn, nước rửa chén và rất nhiều gia vị khác, khiến anh cứ ngỡ nhà vợ ở tận vùng sâu, vùng xa nào đó, rất nghèo khó.
Nhắc vợ chuyện sao chỉ lo một bề, chị lại trách anh đàn ông mà nhỏ nhen. Nếu chị cũng nghĩ cho gia đình anh được một phần như thế, chắc anh mừng không hết. Hễ anh định cho cháu mình vài bộ đồ mới hay cái điện thoại cũ lỗi mốt là chị làu bàu: “Đồ còn mới sao lại đem cho, làm như nhà giàu lắm vậy.”
Anh hiểu tính vợ không xấu, chỉ là trong mắt chị gia đình mình luôn đứng ở vị trí thứ nhất. Chị có họ hàng của chị, anh cũng có họ hàng của anh! Chị biết lo cho tình thân thì anh cũng không thể bỏ quên ruột rà của mình. Anh đã luôn thông cảm với chị và chỉ ao ước được một lần chị chịu đứng vào vị trí của anh mà nghĩ.
Nguồn: Theo Phụ Nữ Online
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.