Không nên chủ quan tự bắt bệnh
Cả cảm cúm lẫn cảm lạnh đều có một số triệu chứng rất phổ biến như: sốt, sổ mũi, đau họng. Thực tế, cảm cúm nguy hiểm hơn cảm lạnh. Cảm cúm nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản, viêm phổi.
Với cảm lạnh thông thường, người bệnh thường sẽ ngạt mũi hoặc chảy nước mũi, sốt nhẹ (có nhiều trường hợp không bị sốt), ho có đờm, cơ thể mệt mỏi, hơi gai lạnh. Các triệu chứng của cảm lạnh biểu hiện từ từ, cơ thể mệt mỏi khoảng 3-4 ngày, sinh hoạt điều độ, nghỉ ngơi, dùng vitamin C để tăng cường sức đề kháng là bệnh có thể tự khỏi.
Còn biểu hiện thường gặp của cảm cúm là sốt cao, viêm họng, ho khan, nhức đầu, đau cơ. Người bị cảm cúm thường mệt mỏi cả tuần trời, kèm theo đau nhức toàn thân.
Nhiều người thấy cơ thể xuất hiện một số triệu chứng như sốt, sổ mũi, lại chủ quan cho rằng mình chỉ bị cảm lạnh thông thường, uống thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt vào là khỏi chứ không đến cơ sở y tế khám. Chính vì sự chủ quan và nhẫm lẫn này, nhiều người đã phải nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, nguy hiểm.
Mấy hôm trước, chị Thu Huyền (27 tuổi, Hà Nội) bỗng thấy cơ thể mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, cổ họng hơi rát. Nghĩ rằng mình bị cảm lạnh nên chị ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc kháng sinh về uống và được mẹ cạo gió cho. Thế nhưng bệnh tình của chị không hề thuyên giảm mà nặng thêm. Đến ngày thứ 6, chị bị sốt cao, người tứa nhiều mồ hôi, mặt mũi đỏ bừng, cơ thể đau nhức, khó thở và buồn nôn.
“Gia đình thấy vậy nên vội vàng đưa tôi vào viện khám. Các bác sỹ bảo tôi bị cảm cúm chứ không phải cảm lạnh thông thường. May mà tôi đi khám kịp thời, chứ để tình trạng này lâu thêm vài ngày, có thể sẽ xuất hiện những biến chứng nguy hiểm”, chị kể.
Cách phân biệt và phòng tránh
Theo bác sỹ Nguyễn Hoài Nam, cảm cúm do virus cảm cúm gây ra. Thế giới đã từng có những đại dịch cúm làm chết cả triệu người. Bệnh thường gặp vào mùa đông hoặc thời điểm giao mùa. Bệnh có tốc độ lây lan khá nhanh và chủ yếu là lây qua đường hô hấp, do người bệnh hít phải không khí có chứa virus cúm.
Bệnh cúm có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng người già, trẻ em và phụ nữ mang thai nếu mắc cúm dễ gặp phải các biến chứng hơn như viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi. Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu mà bị cảm cúm dễ có nguy cơ gây dị tật thai nhi.
Còn cảm lạnh là một bệnh về đường hô hấp nhẹ hơn cúm, thường do một số siêu vi thông thường đường hô hấp gây ra. Người bệnh thường có các biểu hiện như đau họng, chảy nước mũi, ngạt mũi, ho. Cảm lạnh diễn biến chậm hơn cúm và không bị biến chứng vào phổi. Cảm lạnh và cúm nhẹ có thể tự khỏi nếu có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, giữ ấm cơ thể, uống nhiều nước nóng, súc miệng bằng nước muối.
Cảm cúm và cảm lạnh đôi khi có triệu chứng giống nhau nên dễ bị nhầm. Do vậy, phân biệt cảm lạnh hay cảm cúm rất quan trọng để có thể điều trị đúng. Những ngày đầu mới xuất hiện các triệu chứng, bạn có thể cho rằng mình chỉ bị cảm lạnh thông thường. Nhưng nếu bệnh đã đến ngày thứ 4, thứ 5 mà vẫn chưa đỡ, các triệu chứng ngày càng nặng thêm thì nên nghĩ ngay đến việc bạn đã bị cúm, cần đến bệnh viện thăm khám để được xử trí kịp thời, tránh những diễn biến nặng có thể xảy ra.
Cả cảm cúm lẫn cảm lạnh đều lây lan rất nhanh. Để bản thân không bị lây bệnh, cần tránh tiếp xúc với những người đang bị cúm.
Chuyển mùa là giai đoạn thời tiết thay đổi với nhiệt độ nóng, lạnh, nắng mưa bất thường nên nếu hệ miễn dịch của cơ thể yếu đi, không thích nghi được với thời tiết, bạn rất dễ bị cảm cúm, cảm lạnh. Để phòng ngừa, bạn nên ăn uống đủ chất, tăng cường các loại rau củ, hoa quả chứa nhiều vitamin C, cân đối các nhóm dưỡng chất (tinh bột, chất béo, chất đạm) để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tỏi và các chế phẩm từ tỏi rất tốt trong việc tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể, phòng ngừa cúm.
Minh Minh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.