Nhạn biển bắc cực – quán quân đường bay di trú

Phát hiện 19 con rùa núi viền cực hiếm

Nghiên cứu mới nhất cho biết loài nhạn biển mỗi năm phải bay đoạn đường di trú lên đến 71.000km, nhiều gấp hai lần so với các nghiên cứu trước đây, đoạt chức quán quân về độ dài đường bay di trú, hơn loài hải âu đen 6.400km.

Loài nhạn biển bắc cực nhỏ bé chỉ nặng 113 gam trên đường di trú.
Ảnh: National Geographic

Biểu đồ cho thấy loài chim nhỏ bé này – chỉ nặng 113 gam – đã bay 71.000km theo đường zigzag từ Greenland đến Nam Cực. Carsten Egevang, người đứng đầu công trình cho biết: “Có rất nhiều lý thuyết, nhưng giờ đây chúng tôi đã biết được chính xác đường bay của chim di trú”.

Thay vì bay thẳng một mạch, loài chim này đã chọn một đường bay rất vòng vo. Thí dụ như trên đường về từ Nam Cực đến Greenland, loài này đã bay đến châu Phi rồi sang Nam Mỹ trước khi bay lên Bắc Cực. Egevang nói: “Việc này làm tốn thêm hàng ngàn km đường bay. Nhưng khi phân tích đường bay, bạn sẽ thấy chúng có lý”. Với đường bay như thế này, chúng lợi dụng được sức gió và không bao giờ phải bay ngược gió.

Theo tính toán của các nhà khoa học, trung bình loài nhạn biển bắc cực này sống 30 năm và như vậy trong cuộc đời của mình, loài chim này sẽ bay tổng cộng 2,4 triệu km – tương đương với ba chuyến đi từ trái đất đến mặt trăng và trở về.

Được biết trong thời gian, các nhà khoa học chỉ có thể biết được đường bay di trú của những loài chim lớn bởi vì các thiết bị gắn vào chim thường nặng và không thích hợp cho các loài nhỏ. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu đã có được trong tay một thiết bị theo dõi chỉ nặng 1,4 gam, đủ nhẹ để gắn vào chân của loài nhạn biển bắc cực này.

 

Theo Tuổi Trể (National Geographic)