Nhận diện linh cẩu nhờ tiếng cười

Đối với đôi tai người, tiếng cười của từng con linh cẩu trong một đàn nghe đều giống nhau: cao và chói, kỳ dị và điên cuồng. Nhưng mỗi một con linh cẩu lại có một tiếng cười khác nhau truyền tải thông tin về độ tuổi và vị trí trong đàn của nó. Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà thần kinh học hành vi thuộc Đại học California, Berkeley và Đại học Université de Saint-Etienne tại Pháp. Họ đã tìm ra một cách để nhận diện các con linh cẩu bằng cách chọn lọc ra các đặc điểm đặc trưng trong tiếng cười của chúng.

Linh cẩu không cười khi chúng đang vui vẻ. Bên cạnh đó, các nhà sinh học cũng nhận thấy rằng linh cẩu phát ra âm thanh khi chúng cạnh tranh thức ăn. Tiếng cười chính là biểu hiện của sự giận dữ, âm thanh này do một con ở vị trí thấp hơn phát ra khi nó bị một con khác cùng lứa tuổi lấn át. 

Hai con linh cẩu tại Amboselia Kenya. 
(Ảnh: iStockphoto/Stefanie Van Der Vinden)

Để có thể tìm hiểu được ý nghĩa của tiếng cười, Nicolas Mathevon cùng các cộng sự đã phân tích âm thanh do 17 con linh cẩu đốm phát ra. Các nhà khoa học đã phát triển một dạng thuật toán có thể nhận diện thành công từng cá thể trong đàn bằng cách nhìn vào âm sắc và đặc điểm của một nốt nào đó trong tiếng cười. Mathevon cho biết: “Điều này giống như phân biệt các ca sĩ khác nhau bằng cách bảo họ hát chỉ một nốt nhạc rồi lắng nghe đặc điểm của nốt đó ở từng người”.

Phân tích của họ cũng đồng thời cho thấy rằng độ cao của tiếng cười giảm đi khi linh cẩu già đi, tiếng cười của những con có vị trí cao trong đàn cũng kém đa dạng hơn. Bước tiếp theo của nghiên cứu là tìm hiểu các dạng khác nhau của tiếng cười và kiểm tra phản ứng của chúng với những tiếng cười đó.

Bài phát biểu về tiếng cười của loài linh cẩu sẽ được Nicholas Mathevon trình bày tại hội nghị lần thứ 157 của Hiệp hội âm học vào ngày 18-22 tháng 5 tại Portland, Ore.

 

Theo G2V Star (ScienceDaily)