Trước nguy cơ nhiều giống thủy sản nước ngọt sinh cư vùng hạ lưu sông Mekong ngày càng khan hiếm dần và có nguy cơ mai một. Gần đây, Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ có những công trình nghiên cứu thành công về sinh sản nhân tạo nhiều giống thủy sản nước ngọt ở vùng ĐBSCL như cá tra, cá ngát, cá kết… Và mới đây, thêm các giống lươn đồng, cá lóc bông, cá leo được nhân giống thành công, mở ra nhiều triển vọng cho ngành nuôi thủy sản nước ngọt ở vùng ĐBSCL.
TS Đỗ Thị Thanh Hương, Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc cho lươn đồng (Monopterus albus) sinh sản. Sau hơn một năm nghiên cứu, nhóm đã thu thập được đầy đủ các dẫn liệu khoa học về đặc điểm sinh học sinh sản của lươn.
Lươn được sinh sản nhân tạo thành công từ công trình nghiên cứu của Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ. |
Bằng cách tiêm các loại kích dục tố (hormone) khác nhau, bước đầu đã thành công nuôi vỗ thành thục cũng như kích thích lươn sinh sản đồng loạt. Hơn 35% số lươn tiêm kích dục tố đã đẻ. Nhóm cũng đã thử nghiệm thành công trong ấp trứng và ương lươn bột. Hiện đã có hơn 1.000 lươn bột được sản xuất. Với kết quả khả quan này, qui trình cho đẻ lươn đồng sẽ hoàn thành sớm và tiếp theo giai đoạn sắp tới nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu nuôi thâm canh lươn từ con giống sinh sản nhân tạo…
Song song đó, TS Bùi Minh Tâm, thành viên nhóm nghiên cứu phát triển kỹ thuật sinh sản nhân tạo các loài cá đồng của Khoa Thủy sản, cũng vừa công bố đã thành công trong nuôi vỗ thành thục và kích thích cá lóc bông trong ao và trong bể.
Theo TS Tâm, khó khăn trong kích thích sinh sản cá lóc bông là cá đực và cái khó phân biệt và thường thành thục không cùng lúc, vì thế rất khó xác định thời gian tiêm kích dục tố phù hợp. Tuy nhiên, qua nghiên cứu nhóm đã bước đầu xác định được thời gian, liều lượng cũng như loại kích dục tố phù hợp để tiêm cho cá. Hơn 2 tháng qua, nhóm đã cho đẻ được hơn 35 cặp cá (20 trong bồn composite và 15 trong lô đất) và thu được hơn 20.000 cá bột.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu dinh dưỡng thủy sản của Khoa Thủy sản cũng đã phát triển được qui trình ương cá lóc bông từ bột lên giống với tỷ lệ sống cao bằng thức ăn chế biến. Từ những thành công nay, qui trình sản xuất giống cá lóc bông sẽ được hoàn chỉnh và chuyển giao sớm cho người sản xuất để chủ động con giống đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm.
Đối với cá leo, vừa qua nhờ sự tài trợ kinh phí Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang, Bộ môn Kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt, Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ phối hợp cùng Trung tâm Khuyến ngư và giống Thủy sản tỉnh An Giang thực hiện nghiên cứu thành công sinh sản nhân tạo giống cá này.
Sinh sản nhân tạo thành công cá lóc bông. (Ảnh: Thiện Khiêm) |
Theo ghi nhận của nhóm nghiên cứu thực tế, cá leo bố mẹ hoàn toàn có khả năng thành thục sinh dục trong điều kiện nuôi vỗ trong ao với chế độ dinh dưỡng thích hợp. Qua kích thích cá sinh sản nhân tạo bằng kích dục tố cá rụng trứng tốt, tỷ lệ trứng thụ tinh đạt dao động từ 32–61% và tỷ lệ nở đạt dao động từ 63–82%.
Hiện thời, Bộ môn Kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt, Khoa Thủy sản tiếp tục thử nghiệm các giải pháp nâng cao tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ nở và ương cá bột để sớm hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá leo và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân ĐBSCL.
Nguồn cá tự nhiên ở ĐBSCL đang ngày càng suy giảm nghiêm trọng do việc khai thác quá mức và ô nhiễm môi trường nước. Ngay với giống cá tra trên sông Mekong trước đây, giống cá tự nhiên cũng đã hiếm dần từ nhiều năm nay. Do đó, những công trình nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công mang nhiều ý nghĩa trong việc phục hồi nguồn giống thủy sản nước ngọt, nhất là các giống cá đặc sản ở vùng ĐBSCL, hỗ trợ ngành thủy sản phát triển bền vững.
T.K-HĐ
Theo Báo Cần Thơ