Một công ty dệt của Nhật Bản mới đây đã sử dụng những sợi carbon đặc biệt để ứng phó với động đất.
Nhật Bản là một quốc gia nằm trên khu vực địa lý thường xuyên xảy ra động đất với sức tàn phá rất lớn. Một trong những ảnh hưởng ghê gớm phải kể đến trận động đất 9 độ Richter và sóng thần chết người cao tới 10 m năm 2011 với tổng thiệt hại lên tới 300 tỷ USD.
Theo ước tính, mỗi năm ở Nhật Bản có khoảng 1.500 trận động đất xảy ra. Tình trạng động đất liên miên ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân.
Mỗi năm ở Nhật Bản có khoảng 1.500 trận động đất xảy ra. (Ảnh minh họa: Boston.com).
Do đó, rất nhiều tổ chức, kiến trúc sư và người dân ở đây đã và đang tìm kiếm những giải pháp xây dựng sáng tạo cho các tòa nhà lớn nhằm hạn chế hoặc giảm chấn động, rung lắc do động đất gây ra.
Không ngừng nỗ lực nghiên cứu và tìm ra các phương pháp xây dựng độc đáo chính là cách mà người dân nước Nhật lựa chọn để có thể “sống chung” với động đất.
Công ty dệt Komatsu Seiren ở Nhật Bản đã phát triển một loại sợi carbon có khả năng chống chịu động đất rất hiệu quả.
Cụ thể, kiến trúc sư Kengo Kuma và các cộng sự đã sử dụng các thanh được tạo từ vật liệu carbon tổng hợp thí nghiệm cho cấu trúc một phòng trưng bày ở Nomi (thuộc tỉnh Ishikawa, Nhật Bản).
Các thanh sợi được kéo dài từ khung trên mái nhà của tòa nhà và được gắn chặt vào mặt đất ở một góc cụ thể.
Mạng lưới sợi dây carbon là phương pháp chống động đất mới ở Nhật Bản.
Trông những sợi dây carbon vô cùng thanh mảnh, mềm yếu nhưng lại có độ dẻo dai và độ căng cao. Điều này tạo nên sức mạnh để có thể hạn chế ảnh hưởng của một trận động đất.
“Bức rèm” ngăn chặn động đất nhờ cơ chế đặc biệt
Khi mặt đất bắt đầu rung lên khiến tòa nhà dịch chuyển sang trái hoặc phải, những sợi dây đặc biệt này kéo và giữ tòa nhà cố định theo hướng ngược lại để ngăn chặn độ rung lắc do động đất gây ra.
Bức màn sợi dây carbon dày đặc cả bên trong lẫn bên ngoài có tính ổn định cao và giúp hạn chế những tác động ngang do động đất.
Không chỉ có khả năng chống động đất, những sợi carbon tuyệt vời này còn có khả năng làm tăng thêm tính thẩm mỹ cho tòa nhà, trông chúng hệt như tấm rèm mềm mại.
Phương pháp chống động đất mới này được cho là mang lại vẻ đẹp thanh lịch cho tòa nhà.
Kiến trúc sư Kuma tin rằng, vật liệu này có thể được áp dụng cho các cấu trúc như tòa nhà bằng gỗ có xu hướng rung lắc theo chiều ngang.
Thay vì sử dụng những vật liệu cứng ngắc như bê tông, sắt thép giống như cách mà đa phần Nhật Bản đang sử dụng, phương pháp chống động đất mới này được cho là mang lại vẻ đẹp thanh lịch cho tòa nhà.
Kuma cho biết, đây là lần đầu tiên những sợi dây carbon được sử dụng để chống động đất. Điều này sẽ tạo nên bước đột phá trong công nghệ ứng phó với động đất ở “xứ sở mặt trời mọc”.
Theo Soha