Một cơn địa chấn mạnh 7,1 độ Richter xảy ra ở phía đông bắc Nhật Bản tối qua khiến giới chức ra lệnh sơ tán dân và ban bố cảnh báo sóng thần.
Những đống đổ nát tại thành phố Ofunato, tỉnh Iwate, Nhật Bản sau trận động đất hôm 11/3. Ảnh: AP.
BBC dẫn thông báo của Cục Địa chất Mỹ cho biết, trận động đất có cường độ 7,1 độ Richter xảy ra vào lúc 23h32 (21h32 theo giờ Hà Nội). Tâm chấn của nó cách bờ biển 40 km, cách tỉnh Fukushima 118 km về phía bắc và ở độ sâu 49 km so với đáy Thái Bình Dương, khá gần tâm chấn của trận động đất hôm 11/3.
Các công nhân đang khắc phục sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I không bị hề hấn gì từ trận động đất mới. Họ đã được sơ tán.
Hai người chết và gần 100 người bị thương do cơn địa chấn. Các nhà khoa học cho biết, đây là một trong các dư chấn kể từ sau siêu động đất mạnh 9 độ Richter hồi đầu tháng ba. Các dư chấn sẽ còn kéo dài nhiều năm, thậm chí là cả thập kỷ, hãng tin Mỹ NPR dẫn lời các nhà khoa học dự đoán.
Toru Hanai, phóng viên của Reuters ở Oshu, tỉnh Iwate, gần tâm chấn, cho biết, khách sạn nơi anh ở mất điện và đường ống nước bị vỡ. “Mọi thứ rơi hết. Phòng của tôi trở thành một đống hỗn độn, mất điện cả một khu vực rộng lớn”.
Tại Tokyo, các tòa nhà cũng rung lắc.
“Động đất khiến mọi thứ rung chuyển theo kiểu trồi lên rồi sụt xuống. Nó bắt đầu với những rung lắc nhẹ, sau đó lớn hơn. Chúng tôi chộp các chai nước rồi trốn dưới gầm bàn”, Miri Gono, một người dân ở Tokyo, kể.
Ngay sau cơn địa chấn, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản ban bố cảnh báo sóng thần trên một vùng bờ biển có độ dài tới 420 km, song 90 phút sau họ hủy cảnh báo.
Tâm chấn động đất ở gần Sendai, nơi từng bị sóng thần tàn phá. Đồ họa: BBC.
Trong khi đó tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, các công nhân và kỹ sư tiếp tục bơm nitrogen vào trong lò phản ứng để ngăn chặn nguy cơ nổ hydro. Trước đó họ đã thành công trong việc chặn dòng rò rỉ phóng xạ chảy ra môi trường bên ngoài và biển. Đây được coi là bước đột phá trong việc ngăn chặn chất phóng xạ thoát ra ngoài.
Sau động đất hôm qua, không có gì bất thường về mức độ phóng xạ quanh nhà máy điện Onagawa, nơi các thanh nhiên liệu đang được làm lạnh chỉ với một nguồn điện duy nhất, cơ quan an toàn hạt nhân Nhật cho hay.
Cũng như Fukushima I, Onagawa và một nhà máy nữa là Higashidori ở tỉnh Aomori, Tokai No.2 ở tỉnh Ibaraki, và Fukushima II đều đã ngừng hoạt động kể từ sau 11/3.
Cửa kính một ngôi nhà vỡ tan do cơn dư chấn mạnh đêm qua ở thành phố Sendai, Nhật Bản. Ảnh: AP.
Không có bất thường nào về mức phóng xạ quanh các nhà máy này sau động đất mới. Tuy nhiên giới chức vẫn cảnh giác trước nguy cơ các cơ sở này có thể bị hư hại cho dư chấn.
“Do trận động đất (ngày 11/3), nguy cơ lở đất hoặc sập các công trình hiện cao hơn mức bình thường, khả năng bị hư hại cũng tăng cao theo các đợt dư chấn“, phó chánh văn phòng nội các Nhật Tetsuro Fukuyama cho biết hôm nay.
Theo Vnexpress