Để giải quyết thiếu hụt lao động trong ngành dịch vụ ăn uống, Nhật Bản đang phụ thuộc vào các tiến bộ công nghệ mới trong robot.
Các nhà hàng Nhật Bản đang thiếu nhân lực trầm trọng. Hệ quả là không chỉ chi phí lao động tăng lên mà việc quản lý cũng như mở cửa hàng mới trở nên không hiệu quả.
Khâu chuẩn bị thực phẩm đặc biệt quan trọng, cần tới người có kỹ năng và nhiều năm kinh nghiệm, trong khi đó, đối tượng này lại “hiếm có khó tìm”. Để giúp khắc phục tình trạng khan hiếm nhân lực trong lĩnh vực nhà hàng, công nghệ cho phép chuẩn bị thực phẩm tự động đang được phát triển. Tiến bộ đạt được có thể giúp mang văn hóa ẩm thực Nhật Bản vươn khắp thế giới.
Robot của Huis Ten Bosch đang rán bánh xèo.
Trong tương lai, có thể ra đời những nhà hàng mà thức ăn được chuẩn bị hoàn toàn bởi robot. Hiện tại, nhà hàng Henn-na nằm trong công viên Huis Ten Bosch của đại lý du lịch H.I.S. Đây là nhà hàng theo phong cách tự phục vụ (buffet), nơi robot chuẩn bị đồ ăn bên trong khu phức hợp Robot Kingdom. Ngoài 5 loại thức ăn, robot còn làm cả đồ uống và kem.
Điều thu hút được nhiều sự quan tâm nhất là robot biết làm okonomiyaki, một loại bánh xèo Nhật Bản. Robot có thể trộn bột, dầu ăn rồi lật mặt bánh, trước khi hoàn thiện bằng sốt mayonnaise và rong biển khô mà không làm rơi một cái nào.
Những robot này sử dụng công nghệ điều khiển của Yaskawa Electric vốn được dùng trong tìm kiếm và mang vác linh kiện trong nhà máy. Ngoài bánh xèo, robot còn biết rang cơm, làm bánh vòng và pha chế cocktail.
Robot Kingdom là cơ sở nơi du khách đến thăm quan và giao lưu với hơn 200 robot. Ngoài nhà hàng Henn-na, nó còn có khách sạn Henn-na, nơi robot chăm sóc khách đến lưu trú và Robot House, nơi du khách đến quan sát và thử vận hành robot.
Do thiếu hụt lao động là nút thắt khó tháo gỡ, nhiều công ty đang tìm đến các tiến bộ công nghệ mới. Sushi, món ăn nổi tiếng nhất trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản, ngày càng được ưa chuộng trên toàn thế giới nhưng số đầu bếp sushi lại không đủ. Suzumo Machinery đã phát triển một robot có khả năng chuẩn bị cơm sushi nhìn giống hệt như được bếp trưởng tạo hình.
Model đầu tiên ra đời năm 1981, khi đó, robot có thể làm được 1.200 miếng sushi mỗi giờ nhưng model mới nhất ra năm 2014 có thể chuẩn bị tới 4.300 miếng. Suzumo Machinery đang chiếm 70% thị phần nội địa cho loại robot này và đóng góp nhiều công sức trong việc mở rộng các quầy sushi toàn cầu.
Tempura băng chuyền
Máy chiên tự động của Tenya rán tempura chỉ trong hơn 100 giây.
Sushi băng chuyền xuất hiện vào năm 1958. Theo Hiệp hội Dịch vụ ăn uống Nhật Bản, thị trường nhà hàng sushi đang đi xuống sau khi đạt đỉnh năm 1992 nhưng đã bật lên vào năm 2015, đạt 1,41 nghìn tỷ yên, mức cao nhất từ năm 2000.
Một trong những người đầu tiên áp dụng chuẩn bị đồ ăn tự động là Ten Corp, công ty con của Royal Holdings, quản lý chuỗi nhà hàng tempura Tenya. Làm Tempura đòi hỏi kỹ năng và kinh nghiệm lâu năm. Để tự động hóa việc chuẩn bị tempura, công ty không ngừng nâng cấp máy móc từ khi thành lập năm 1989.
Khi các nguyên liệu được thả xuống nồi chiên băng chuyền, thức ăn ngay lập tức được rán trong dầu nóng 180 độ C trong khoảng 80 giây rồi được chuyển dọc theo băng chuyền trong khoảng 20-30 giây nữa để được nấu chín từ từ bằng lượng nhiệt còn sót lại. Chỉ sau 1 tháng đào tạo, gần như bất kỳ ai cũng có thể làm tempura bằng công nghệ này. “Chúng tôi đủ sức phục vụ số lượng lớn đơn hàng ngay cả khi bận rộn nhất”, Yasuhiro Mochimatsu, Chủ tịch công ty cho biết.