Nếu không có các biện pháp cần thiết, dịch bệnh H1N1sẽ nhanh chóng tấn công học sinh tại các trường học, rồi từ đó lan sang phụ huynh và các thành phần khác trong cộng đồng. Nhưng các nhà chức trách đang nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh và bảo vệ các trường học với việc sử dụng điện thoại di động.
Bối cảnh là một dịch bệnh xảy ra thật sự, đây là một thí nghiệm do chính phủ Nhật Bản tiến hành. Một công ty thuộc tập đoàn Softbank, nhà cung cấp Internet và điện thoại cầm tay lớn nhất Nhật Bản, đã đề xuất hệ thống sử dụng điện thoại để hạn chế dịch bệnh.
Chi tiết cụ thể hiện vẫn chưa được ấn định, nhưng Softbank hi vọng sẽ chọn một trường tiểu học với 1.000 em học sinh và trang bị cho các em điện thoại có cài GPS. Vị trí của các em này sẽ được ghi lại từng phút và lưu trữ trên server trung tâm.
Một vài học sinh sẽ được giả định là đã nhiễm cúm, và việc di chuyển của các em trong một vài ngày sẽ được so sánh với những em còn lại. Dữ liệu GPS lưu trữ khi đó có thể được sử dụng để quyết định những em nào đã đi chung đường với em nhiễm cúm và có nguy cơ bị lây nhiễm.
Gia đình của các em “nguy cơ” này sẽ được thông báo qua tin nhắn tới điện thoại di động của họ, hướng dẫn họ cho con tới bác sĩ kiểm tra. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng nổ thực sự, việc làm này có thể hạn chế tỉ lệ lây nhiễm mới.
“Số người bị nhiễm bởi một căn bệnh như thế này thường tăng nhanh theo cấp số nhân. Nếu tỉ lệ giảm đi, dù chỉ một chút, cũng sẽ là một bước tiến lớn trong kiểm soát tình hình dịch bệnh,” Masato Takahashi, cán bộ về chiến lược cơ sở hạ tầng của Softbank, phát biểu.
Ông minh họa bằng tính toán: nếu một người nhiễm cúm lây bệnh cho ba người khác trong một ngày, và mỗi người mới lây này lại truyền cúm cho 3 người khác nữa, thì ngày thứ 10 sẽ có khoảng 60.000 người mắc bệnh. Trong trường hợp mỗi người nhiễm cúm chỉ truyền bệnh cho 2 người khác, thì vào ngày thứ 10, con số lây nhiễm chỉ là 1.500.
Thí nghiệm đã hình thành từ trước khi bùng phát dịch cúm lợn, nhưng giờ đây mới thực sự được chú ý nhiều vì hiện tại Nhật Bản là nước xác nhận số ca nhiễm lớn nhất bên ngoài lãnh thổ Bắc Mỹ.
Bức ảnh này được chụp hôm 21 tháng 5, trong đó rất nhiều học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm cúm lợn đã cùng đi trên một bến tàu ở Kawasaki, phía tây Tokyo, sau khi những ca nhiễm cúm đầu tiên được xác nhận ở thủ đô Nhật Bản. (Ảnh: AP/ Shuji Kajiyama) |
Đây là 1 trong số 24 thử nghiệm mà chính phủ đã thông qua trong một chương trình thúc đẩy tăng cường sử dụng cơ sở hạ tầng Internet và mạng di động tại Nhật Bản. Quốc gia này vốn tự hào về việc sở hữu một số công nghệ di động tiên tiến nhất thế giới. Nước này có mạng lưới điện thoại di động tốc độ cao phủ khắp, và điện thoại đạt chuẩn với các tính năng như GPS, xem tivi và nhận biết cảm ứng.
Tuy nhiên, thị trường điện thoại di động đã gần như bão hòa, và mức phí dần giảm xuống trong khi cuộc chiến cạnh tranh giá vẫn đang tiếp diễn. Đối với Softbank, một dịch vụ với mục đích chăm sóc sức khỏe cộng đồng do chính phủ chi trả sẽ là dự án kinh doanh béo bở.
GPS có những hạn chế nhất định, ví dụ như kém tín hiệu khi thiết bị ở trong nhà. Nhưng Softbank tin tưởng rằng nó có thể đọc được vị trí chính xác trong phạm vi vài mét, ít nhất đối với thử nghiệm trong khu vực hạn chế.
Tới nay, các công nghệ như GPS chủ yếu được sử dụng để giúp mọi người biết được họ đang ở đâu và đang ở gần những địa điểm nào. Khi các thiết bị được nối mạng như iPhone ngày càng trở nên phổ biến, các ứng dụng mới cho phép mọi người có thể dõi theo con cái hay bạn bè, và giúp cơ quan cũng như chính phủ có thể kiểm soát được vị trí của bản thân họ.
Aoyama Gakuin, một trường đại học danh giá tại Tokyo đang cung cấp các điện thoại iPhone 3G của hãng Apple cho sinh viên như một biện pháp điểm danh thông qua kết nối GPS trong một ứng dụng chạy trên điện thoại.
Loại dự án này làm dấy lên quan ngại về vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân, và một trong những mục tiêu thử nghiệm của chính phủ Nhật là để đánh giá xem những người tham gia cảm thấy thế nào về việc vị trí của họ liên tục được cơ quan Nhà nước ghi lại.
Nếu một hệ thống theo dõi bệnh thực sự được bắt đầu, chính phủ sẽ không yêu cầu bắt buộc người dân phải đăng kí trên hệ thống, dẫn lời Takuo Imagawa, một quan chức bộ Truyền thông và Nội vụ Nhật Bản.
Một vấn đề khác phát sinh trong cuộc thử nghiệm là làm sao có thể thông báo cho mọi người rằng họ có khả năng bị lây nhiễm, cho dù đó chỉ là một căn bệnh ảo.
“Nếu như chúng ta không suy nghĩ kĩ lưỡng về nội dung cảnh báo, những người nhận được tin nhắn có thể bị hoảng loạn,” Katsuya Uchida, giáo sư thuộc Viện An ninh Thông tin tại Yokohama cho biết.
Softbank Telecom, công ty đã đề xuất cuộc thử nghiệm này, có thể sẽ không được bộ chọn lựa để tiến hành thử nghiệm. Nhưng Takahashi nói rằng dù cho công ty nào được chọn lựa đi nữa, ông hi vọng những lợi ích tiềm năng của hệ thống này sẽ đủ để thuyết phục mọi người đăng ký thành viên và tiết lộ thông tin về vị trí của họ bất kì lúc nào.
“Tôi nghĩ rằng một hệ thống như vậy sẽ có tác dụng tốt hơn cả thuốc Tamiflu,” ông nói.
Theo G2V Star (PhysOrg)