Nhật Bản tính phương án chôn lấp các lò phản ứng

Ngày 18/3 các chuyên gia hạt nhân Nhật Bản thừa nhận, có thể phải tính tới phương án cuối cùng là sử dụng cát và bê tông chôn lấp các lò phản ứng đang gặp sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I nhằm ngăn chặn một thảm họa tồi tệ.

Phương án trên được nêu ra trong bối cảnh Nhật Bản cùng ngày đã nâng mức đánh giá cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay từ mức 4 lên mức 5 trên thang đánh giá 7 cấp. Trong khi đó, bất chấp nỗ lực của Nhật Bản, các lò phản ứng vẫn tiếp tục nóng lên và làm gia tăng nguy cơ phát tán phóng xạ cực kỳ nguy hiểm ra môi trường.

Máy bay quân sự CH-4 đã được huy động đổ nước trực tiếp làm nguội
các lò phản ứng hật nhân

Hiện tại, Nhật Bản vẫn tiếp tục sử dụng xe cứu hỏa phun nước trực tiếp làm nguội các lò phản ứng số 3 và số 4 đồng thời khôi phục nguồn điện tại lò số 1 và số 2. Giới chức Nhật Bản khẳng định hiện vẫn còn nước trong bể chứa nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng.

Tuy nhiên, không thể xác định chính xác còn bao nhiêu nước. Một khi cạn nước, các thanh nhiên liệu sẽ nóng chảy và gây rò rỉ phóng xạ. Các chuyên gia cũng đánh giá có thể lớp vỏ trong cùng của lò số 2 đã bị hư hại sau vụ nổ ngày 15/3.

Năm 1986, sau vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, Liên Xô đã phải sử dụng bê tông đổ trùm lên nhà máy này nhằm ngăn chặn sự phát tán phóng xạ.

Trong khi đó, hãng tin Reuters ngày 19/3 đưa tin phóng xạ bị rò rỉ sau các sự cố hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima số 1 của Nhật Bản đã lan tới bờ biển phía Tây nước Mỹ.

Các nguồn tin ngoại giao cho biết hiện nồng độ phóng xạ vẫn ở mức thấp và không gây ảnh hưởng cho sức khỏe con người. Một nhà ngoại giao viện dẫn thông tin từ một mạng lưới các trạm quan sát quốc tế mô tả lượng chất phóng xạ ở vùng bờ biển phía Tây nước Mỹ là “hết sức nhẹ“, trong khi một nguồn tin khác từ IAEA cũng cho biết: “Lượng phóng xạ ở mức rất thấp“.

 

Theo Bee.net