Ngày 20/1, các nhà khoa học Nhật Bản đã phát triển thành công phương pháp chuyển hóa CO2 thành một nguồn cácbon mới, có thể sử dụng để sản xuất các sản phẩm y học và nhựa, bằng cách sử dụng nguyên tố rhodium làm chất xúc tác.
Nhóm nghiên cứu do Giáo sư Nobuharu Iwasawa thuộc Viện Công nghệ Tokyo đứng đầu, cho biết, do CO2 tương đối ổn định và khó kết hợp với các loại hợp chất khác nên việc sử dụng CO2 trong công nghiệp vẫn chỉ hạn chế ở việc tạo ra các sản phẩm như phân urea hay các polycarbonat.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, nguyên tố rhodium có thể tách riêng các nguyên tố cácbon và hiđrô trong hợp chất cácbon này và giúp một hợp chất cácbon có thể kết hợp dễ dàng hơn với CO2 để tạo ra một hợp chất mới.
Phản ứng này có thể áp dụng một cách rộng rãi đối với các hợp chất hiđrô cácbon, các thành phần chủ chốt của xăng và các hợp chất khác.
Phát biểu với báo giới, Giáo sư Iwasawa cho biết, nhóm nghiên cứu dự định ứng dụng phát minh mới vào thực tiễn trong vòng 10 năm tới mà không cần phải sử dụng nhôm để thúc đẩy một phản ứng sử dụng năng lượng nhẹ.
Việc phát hiện ra phương pháp mới này được đánh giá có thể giúp giải quyết các vấn đề môi trường và tránh làm cạn kiệt nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Theo Thông tấn xã Việt Nam